Chiều nay 27.6, các thí sinh vừa kết thúc môn thi toán, môn thứ hai trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Tổ giáo viên toán của Hệ thống Giáo dục Học Mãi nhận định: đề thi năm 2024 về cơ bản có cấu trúc như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và tương đồng với đề tham khảo Bộ GD-ĐT công bố ngày 22.3, do đây là năm cuối cùng thực hiện dạy, học và thi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006.
Theo các giáo viên, điều này sẽ không gây ra sự xáo trộn trong việc ôn tập của thí sinh, phù hợp với mục đích chính là xét công nhận tốt nghiệp. Tuy nhiên đề thi vẫn có sự phân hóa ở nhóm các câu hỏi cuối để phục vụ cho mục tiêu xét tuyển ĐH. Dự kiến phổ điểm sẽ dao động ở mức 7 điểm, điểm 10 sẽ rất ít.
Về nội dung kiến thức, đề thi bám sát cấu trúc và dạng thức của đề thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây với 90% câu hỏi (45 câu) thuộc chương trình của lớp 12 và 10% số câu hỏi (5 câu) thuộc chương trình lớp 11.
Về độ khó của đề thi, tổ giáo viên kể trên nhận định: khoảng 45 câu hỏi trong đề (90%) là các dạng bài quen thuộc, học sinh đã gặp và thực hành trong quá trình ôn luyện. Trong đó, 38 câu đầu là các câu hỏi thuộc cấp độ nhận biết – thông hiểu, chỉ cần nắm vững nền tảng kiến thức là có thể dễ dàng giải quyết.
Đề toán thi tốt nghiệp THPT 2024 Chỉ dễ hơn đề năm 2018!
Đề có 5 câu hỏi mang tính phân loại và nằm ở phần kiến thức lớp 12 thuộc các chủ đề số phức, hàm số, mũ – logarit, hình oxyz và nguyên hàm – tích phân (tương tự đề tham khảo 2024).
Các câu hỏi vận dụng hầu hết là các dạng bài quen thuộc đã từng xuất hiện trong các đề thi chính thức hoặc đề thi của các trường, các sở giáo dục (như cực trị của hàm số, thể tích khối tròn xoay, thể tích khối lăng trụ…).
Bên cạnh đó, đề thi có các câu hỏi vận dụng cao, cực khó dễ khiến các thí sinh thấy lúng túng trong việc tìm hướng giải như câu 46 – câu 50 (mã đề 110). Thí sinh cần có sự bình tĩnh và sự nhanh nhạy cũng như tư duy tốt để có thể xác định hướng giải, đồng thời cần kết hợp nhiều kiến thức trong chuyên đề để có thể giải quyết các câu hỏi này.
Các giáo viên cũng nhận định: “Nhìn chung, đề thi bám sát đúng yêu cầu mục tiêu lấy kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT đồng thời sự phân hóa của đề nằm ở nhóm các câu hỏi cuối để phục vụ cho mục tiêu xét tuyển ĐH”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/do-kho-nhinh-hon-se-rat-it-diem-10-mon-toan-185240627171600438.htm