Nhận định từ các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cho rằng, các tập đoàn đa quốc gia sẽ tiếp tục chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam.
Vấn đề thuế quan do tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn một lần nữa lại trở thành mối quan tâm của các doanh nghiệp. Ví dụ, đối với các doanh nghiệp từ Nhật Bản - đây được xem là một trong những lý do chính mà các doanh nghiệp nước này đưa ra trong khảo sát mới nhất về xu hướng dịch chuyển sản xuất của mình.
Trong đó, Việt Nam được xem là lựa chọn số một tại khu vực ASEAN. Trong tổng số 176 trường hợp dịch chuyển sản xuất sang ASEAN, có đến 90 trường hợp chuyển sang Việt Nam. Tương tự, trong số 289 dự án dịch chuyển từ Nhật Bản sang ASEAN, 1/3 số này cũng chọn Việt Nam. Điều này cho thấy Việt Nam đang trở thành mắt xích quan trọng và vai trò của việc định vị Việt Nam trong dịch chuyển "dòng chảy" của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại cửa hàng bán lẻ thời trang của thương hiệu Nhật Bản, cứ 10 chiếc áo bán tại đây, đã có đến 6 chiếc áo được khai sinh ở Việt Nam. Có thể nói, Việt Nam dần trở thành cứ điểm quan trọng trong chuỗi sản xuất của thương hiệu khi hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi hơn so với các thị trường khác của khu vực ASEAN.
Ông Nishida Hideki - Tổng Giám đốc UNIQLO Việt Nam cho biết: “Mở rộng chuỗi cung ứng và mạng lưới phân phối tại Việt Nam có ý nghĩa rất lớn với chúng tôi. Thứ nhất là thời gian đưa sản phẩm từ nhà máy đến khách hàng là rất nhanh, thứ hai chính là kênh phản hồi của khách hàng đối với chúng tôi cũng được cập nhật nhanh vào việc cải tiến sản phẩm. Thứ ba là nguồn cung hàng tại Việt Nam luôn ổn định và thứ tư, các tác động về môi trường cũng giảm thiểu khi kênh sản xuất và phân phối gần nhau”.
Xét theo ngành nghề, các ngành như kim loại, linh kiện thiết bị điện, điện tử, hay sản phẩm dệt may... đều nằm trong nhóm dẫn đầu của xu hướng dịch chuyển. Tuy vậy, theo đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), Việt Nam cần giải quyết điểm nghẽn về khả năng cung ứng nội địa khi nhiều năm qua tỷ lệ cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện điện tử từ các doanh nghiệp vẫn chưa cải thiện nhiều.
Ông Matsumoto Nobuyuki - Trưởng đại diện, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản, Văn phòng TP. Hồ Chí Minh (JETRO) nhận định: “Để tận dụng tốt cơ hội từ xu hướng dịch chuyển đầu tư và sản xuất, Việt Nam có thể tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông qua đơn giản hoá thủ tục hành chính và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tôi nghĩ, song song đó sẽ cần bước đẩy phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ, cải tiến công nghệ sản xuất để tăng khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản”.
Ông Bruno Jaspaert - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam nêu ý kiến: “Tôi tin rằng, cam kết của Việt Nam trở thành quốc gia không phát thải carbon vào năm 2050 trở thành một điểm khác biệt thu hút đầu tư trong bối cảnh châu Á và nó cũng khiến Việt Nam trở nên độc đáo trong mắt nhà đầu tư. Điều quan trọng là chuỗi cung ứng khi có các cụm sản xuất tích hợp chuỗi cung ứng sẽ tạo điểm khác biệt của Việt Nam so với Malaysia, Indonesia hay Thái Lan”.
Nhận định từ các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng cho rằng, các tập đoàn đa quốc gia cũng có thể tiếp tục chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam. Điều này có thể không mạnh như giai đoạn năm 2018 nhưng vẫn là một xu hướng còn tiếp diễn.
Nguồn
Bình luận (0)