Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, định vị nghiên cứu cơ bản và khoa học cơ bản Việt Nam vẫn đang ở “vùng trũng” trên bản đồ khoa học của thế giới.
Tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Khoa học cơ bản với trách nhiệm quốc gia” do Trường Đại học (ĐH) Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) vừa tổ chức, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận đó là khoa học cơ bản trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc sẽ như thế nào, nghiên cứu khoa học cơ bản và đào tạo khoa học cơ bản cần thay đổi ra sao để thích ứng.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi nhìn nhận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra với sự xuất hiện của AI và cơ sở dữ liệu lớn, dự đoán sẽ làm thay đổi về phương thức sản xuất và các quan hệ xã hội. Khoa học cơ bản cũng có vai trò lớn trong việc giải quyết những vấn đề nóng hiện nay như nâng cao năng suất lao động, già hóa dân số, vấn đề về sức khỏe tâm thần của người dân, người lao động.
Ông Hồi cho rằng một vấn đề rất cần thiết trong thị trường toàn cầu hóa, “thế giới phẳng” đầy cạnh tranh hiện nay đối với các trường ĐH đào tạo khoa học cơ bản là phải đào tạo đội ngũ nhân lực cao – những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ có chất lượng, sánh ngang với các nước ASEAN như Singapore, Malaysia, sau đó là các nước phát triển như Úc, Nhật Bản, Mỹ. Sinh viên được đào tạo trong nước trước hết phải có mặt bằng chất lượng ngang hàng với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, thu hút sinh viên nước ngoài, thu hút nhân lực các nước về học tập, làm việc tại Việt Nam.
GS.TS Phạm Hồng Tung – nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển nhìn nhận, hiện nay khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng đang có xu hướng tích hợp rất chặt chẽ và rất cao. Nhưng nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng thì không bao giờ tích hợp được và cũng không bao giờ nên tích hợp. Lý do bởi nghiên cứu cơ bản là nghiên cứu phần về lý thuyết, phương pháp, thông tin mới; còn nghiên cứu ứng dụng là để vận dụng, ứng dụng đầu ra của nghiên cứu cơ bản vào trong phát triển kinh tế – xã hội và trong cuộc sống.
Ghi nhận trong các mùa tuyển sinh gần đây, trong khi các ngành “hot” thu hút thí sinh thì các ngành khoa học cơ bản tỷ lệ tuyển sinh hàng năm khá thấp. Một trong những nguyên nhân đó là chưa có những kênh quảng bá tốt và hiệu quả về các ngành khoa học cơ bản. Người học nói riêng và xã hội nói chung đều bị ảnh hưởng bởi truyền thông đại chúng. Khi bắt gặp các ngành xuất hiện thường xuyên trên truyền thông, nhiều người cho rằng đó là những ngành dễ kiếm việc làm sau khi ra trường, thu nhập cao mà không hiểu rõ thực chất môi trường công việc, mức độ cạnh tranh ra sao…
Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi cấp học bổng, hỗ trợ dành cho sinh viên ngành khoa học cơ bản từ chính các trường, từ Nhà nước không còn hoặc không đủ sức hấp dẫn người học so với các ngành nghề khác. Điều này đã được thực tế chứng minh khi năm học này, tỷ lệ nguyện vọng đăng ký nhóm ngành đào tạo giáo viên tăng 85% so với năm 2023. Hàng loạt những thay đổi khiến nhóm ngành đào tạo sư phạm có sức hút trở lại sau gần 20 năm ít được thí sinh quan tâm, điểm chuẩn từng trồi sụt khiến nhiều người lo lắng về chất lượng tuyển sinh đầu vào của khối ngành này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai.
Tương tự như vậy, nếu nhóm ngành khoa học cơ bản được tăng cường truyền thông, quảng bá cùng với những chính sách đầu tư có hệ thống, bài bản, chương trình đào tạo cải tiến phù hợp với xã hội, yêu cầu của thị trường thì việc tuyển sinh sẽ khởi sắc. Hiện Bộ GDĐT đã có Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao trình Thủ tướng Chính phủ. Trong Đề án có đề xuất giải pháp cụ thể hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực các ngành khoa học cơ bản.
Nguồn: https://daidoanket.vn/dinh-vi-nghien-cuu-khoa-hoc-co-ban-thoi-4-0-10296801.html