Theo chương trình kỳ họp Quốc hội, sáng 29/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Theo chương trình kỳ họp Quốc hội, sáng 29/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Một trong những nội dung được quan tâm nhất hiện nay là có nên đưa phân bón trở lại chịu thuế VAT 5% như trước đây.
Bất cập chính sách thuế hiện hành
Theo Luật Thuế giá trị gia tăng số 57/1997/L-CTN năm 1997, phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5%. Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 3/6/2008, Điều 8-Thuế suất, khoản 2, điểm 2.b quy định, phân bón áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5%.
Đến năm 2015, theo Luật Thuế GTGT số 71, phân bón thuộc diện không chịu thuế GTGT.
Theo đánh giá của Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, sau 9 năm triển khai thực hiện việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng áp dụng thuế GTGT 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT đã nảy sinh một số bất cập.
Thứ nhất, toàn bộ thuế GTGT đầu vào của nguyên liệu, dịch vụ phục vụ cho sản xuất phân bón không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí giá thành sản phẩm, làm tăng giá thành và giá bán phân bón. Theo thống kê của Bộ Tài chính, số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, tính vào chi phí giá thành sản xuất phân bón từ năm 2015 đến năm 2022 đã lên tới gần 10.000 tỷ đồng.
Phân bón Cà Mau xuất hàng tại cảng |
Thứ hai, sụt giảm đầu tư của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước, do hai lý do: Thuế GTGT đầu vào của hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ không được khấu trừ, dẫn đến suất đầu tư tăng, giảm hiệu quả đầu tư; đồng thời, việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế GTGT 5% sang không chịu thuế GTGT dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ và phải hạch toán vào chi phí, làm cho lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sụt giảm. Điều này dẫn đến rủi ro cho sự phát triển của ngành phân bón trong nước, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam khi công nghệ sản xuất phân bón trong nước lạc hậu do thiếu đầu tư, chi phí giá thành sản xuất phân bón trong nước cao do gánh phần thuế GTGT đầu vào, người tiêu dùng phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu. Trước tháng 1 năm 2015 khi Luật 71 có hiệu lực, tổng cộng các dự án đầu tư cho phân bón có công suất 3,5 triệu tấn/năm, sau thời điểm trên tổng công suất đầu tư mới chỉ là 370.000 tấn.
Thứ ba, phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT dẫn đến sự cạnh tranh không song phẳng giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu khi phân bón nhập khẩu không phải chịu thuế VAT 5%.
Nếu áp thuế VAT 5% đối với phân bón, theo tính toán của giới chuyên gia và dự phóng của nhóm doanh nghiệp niêm yết sản xuất phân bón chiếm thị phần trên 50% sản lượng tiêu thụ trong nước, giá phân bón đến tay người nông dân có dư địa giảm 1-5%.
Định lượng giảm giá phân bón
Dựa trên số liệu từ báo cáo tài chính niêm yết của 9 công ty phân bón gồm đại diện của các chủng loại phân bón (urea, DAP, lân, NPK, bao gồm Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ, Đạm Hà Bắc, DAP Hải Phòng, Phân bón Bình Điền, Supe Lâm Thao, Phân lân Văn Điển, Phân lân Ninh Bình, Phân bón miền Nam) chiếm thị phần 57% tổng sản lượng tiêu thụ trong nước, nhóm chuyên gia phân tích định lượng của Dự án Tăng cường Năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) đã có tính toán định lượng chi tiết.
Hiện nay, thuế suất thuế GTGT đầu vào trung bình đối với sản xuất phân ure là 9,3%, NPK là 6,4%, phân DAP là 8,1%; phân lân là 7,7%.
Phân bón Cà Mau hoàn thiện cao nhất từ chất lượng sản phẩm cho đến dịch vụ, kho bãi vận chuyển hàng hóa xuất kho |
Tỷ trọng giá vốn/doanh thu sản xuất phân bón sẽ giảm khi điều chỉnh mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT do thay đổi cách hạch toán kế toán, doanh nghiệp được bóc tách phần thuế GTGT đầu vào ra khỏi chi phí đầu vào sản xuất.
Cụ thể, khi phân bón là đối tượng không chịu thuế GTGT, giá vốn bao gồm cả phần thuế GTGT đầu vào, khiến tỷ trọng giá vốn/doanh thu là 78%. Khi phân bón là đối tượng chịu thuế GTGT, giá vốn được bóc tách phần thuế GTGT đầu vào thì tỷ trọng giá vốn/doanh thu chỉ còn khoảng 71-73% (tùy từng loại phân bón).
Như vậy, giá phân ure, DAP và lân sản xuất trong nước có dư địa giảm 1-2%.
“Giá phân bón nhập khẩu có thể tăng. Song theo cấu trúc thị trường phân bón hiện tại (tiêu thụ phân bón sản xuất trong nước chiếm 69,2%, tiêu thụ phân bón nhập khẩu chiếm 30,8%), sẽ cho phép doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước điều chỉnh mặt bằng giá thị trường phân bón. Giá thành phân bón sản xuất trong nước giảm, giá bán phân bón sản xuất trong nước có dư địa giảm, sẽ tạo tác động cạnh tranh dẫn đến các nhà nhập khẩu phân bón cũng sẽ phải giảm giá bán phân bón nhập khẩu theo mặt bằng giá thị trường, đem lại lợi ích lớn cho bà con nông dân”, Tiến sỹ Trần Thị Hồng Thủy, Trưởng nhóm Dự án USAID IPSC nhận định.
Phân tích định lượng đối với Nhà nước, bà Thuỷ cho rằng, nếu áp dụng thuế giá trị gia tăng 5%, sẽ tăng thu ngân sách thêm 1.541 tỷ đồng/năm, do thu thuế VAT đầu ra của phân bón đạt khoảng 6.225 tỷ đồng, khấu trừ thuế VAT đầu vào là 4.713 tỷ đồng.
Số liệu của Hiệp hội phân bón Việt Nam cho thấy, từ năm 2015 khi áp dụng luật thuế 71 đối với phân bón, giá bán phân đạm trong nước tăng 7,2 – 7,6%; phân DAP tăng 7,3 – 7,8%, phân supe lân tăng 6,5 – 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng 5,2 – 6,1%… so với những năm còn áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón.
Trường hợp quy định thuế quay lại trước đây, các doanh nghiệp trong Hiệp hội phân bón có khả năng giảm giá bán không? Theo ông Lê Anh Tuấn, Kế toán trưởng Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, nhiều năm nay, Đạm Hà Bắc lỗ và sản xuất kinh doanh vô cùng khó khăn. Do không thuộc đối tượng chịu thuế VAT, doanh nghiệp không được hoàn thuế đầu vào, với riêng Đạm Hà Bắc số tiền vào khoảng 240 tỷ đồng/năm, khiến chi phí sản xuất đội lên.
Nếu áp thuế VAT 5%, doanh nghiệp được khấu trừ thuế sẽ có nguồn lực đầu tư, giảm giá thành, nâng cao chất lượng phân bón. “Nếu giá cả đầu vào duy trì ổn định như hiện nay, chúng tôi cam kết hạ giá bán ít nhất 2-3%”, ông Tuấn trao đổi.
Từ khi áp dụng Luật Thuế 71 đến nay, giá phân bón đã tăng đến 30%. Phân bón không chịu thuế VAT khiến doanh nghiệp sản xuất không được hoàn thuế, họ đã cộng tiền đó vào giá thành mặt hàng bán ra. Tình hình càng trở nên khó khăn khi nguyên liệu đầu vào khan hiếm, chịu ảnh hưởng của tình hình thế giới sau chiến tranh Nga – Ukraine, giá phân bón tiếp tục tăng thêm.
Trước năm 2014, chi phí phân bón dành cho canh tác trên 1 sào trồng rau (0,1 ha) chỉ khoảng 300.000 đồng trong tổng số 1 triệu đồng bao gồm tất cả các chi phí đầu vào. Nhưng từ sau năm 2014, giá phân bón tăng đã khiến chi phí này đội lên gần 500.000 đồng. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí phân bón đã tăng 30-35% ăn mòn vào lợi nhuận của bà con nông dân.
Như vậy, việc đưa phân bón ra khỏi danh mục không chịu thuế tưởng lợi mà trở nên bất cập, làm tăng giá phân bón.
Từ sau năm 2014, các doanh nghiệp phân bón phải tiết kiệm chi phí nên cũng giảm các chương trình hỗ trợ bà con về giá bán, hay các hoạt động khảo nghiệm cánh đồng. Do đó các hộ sản xuất nông nghiệp cũng thiệt thòi hơn so với trước.
Một nỗi lo khác là vấn nạn phân bón giả tăng theo nhiều vô kể. Người nông dân khi muốn tiết giảm chi phí sẽ thấy phân bón nào rẻ hơn là ưu tiên dùng, do vậy, nhiều đối tượng đã lợi dụng tâm lý đó tạo ra những sản phẩm kém chất lượng hơn, trộn nguyên liệu giả vào.
Tâm lý của người nông dân luôn muốn ưu tiên dùng các sản phẩm phân bón do doanh nghiệp trong nước sản xuất, nhất là những sản phẩm vi sinh, vô cơ tiên tiến mới, nhưng giá bán cần giảm chút và ổn định hơn.
Nguồn: https://baodautu.vn/dinh-luong-tac-dong-cua-viec-ap-thue-vat-5-voi-phan-bon-d228520.html