Góc nhìn TTCK tuần 29/7-2/8: Định giá nhiều nhóm cổ phiếu về vùng có thể giải ngân
VN-Index đang về biên dưới của kênh giá tích lũy, qua đó đưa định giá của nhiều nhóm cổ phiếu về vùng hợp lý hơn để có thể giải ngân.
Sau tuần giao dịch chịu áp lực điều chỉnh với khối lượng giao dịch khá đột biến, nhất là dưới áp lực thông tin tổng dư nợ margin cuối quý II/2024 lập đỉnh mới, cao hơn thời điểm đầu năm 2022. Chỉ số VN-Index trải qua tuần giao dịch kém tích cực tiếp theo với những phiên giảm điểm mạnh về vùng giá quanh 1.220 điểm.
Áp lực thị trường giảm đã kích hoạt call margin khiến tâm lý nhà đầu tư tiêu cực hơn. Tuy nhiên, khép tuần, với áp lực call margin giảm dần, chỉ số đóng cửa tích cực, tăng 8,92 điểm và dừng chân tại mốc 1.242,11 điểm.
Mặc dù, thanh khoản vẫn ở mức thấp và chưa có nhiều thay đổi so với phiên trước, vẫn thể hiện tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, nhưng áp lực bán tiếp tục giảm và lực cầu chủ động bắt đáy tích cực ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã giúp đà tăng của thị trường được nới rộng về cuối phiên.
Trong nhóm VN30, đa số cổ phiếu đều tăng điểm, đặc biệt là BCM, MSN, FPT, góp phần lớn vào số điểm tăng của VN-Index và đáng chú ý là BCM đã nhanh chóng trở lại vùng giá cao nhất kể từ tháng 8/2023.
Bên cạnh đó, sắc xanh phiên cuối tuần cũng được lan tỏa đến hầu hết các nhóm ngành cổ phiếu. Trong đó, nhóm cổ phiếu công nghệ viễn thông là nhóm hồi phục mạnh nhất với những cái tên nối bật như FPT, CMG, CTR…, sau giai đoạn điều chỉnh mạnh vừa qua. Nhóm cổ phiếu vận tải kho bãi cũng hồi phục khi HVN thoát cảnh lao dốc sàn trong các phiên trước đó và trở lại tăng điểm.
Thống kê cho thấy, trong tuần 22-26/7/2024, nhà đầu tư cá nhân trong nước bất ngờ là bên duy nhất bán ròng với giá trị 2.490 tỷ đồng. Chiều mua ròng, nhóm tổ chức trong nước mua vào nhiều nhất với giá trị 2.070 tỷ đồng, tiếp theo là khối tự doanh với giá trị 1.624 tỷ đồng. Nhóm tổ chức và cá nhân nước ngoài lần lượt mua vào 377 tỷ đồng và 44 tỷ đồng.
Sự trở lại mua ròng của khối ngoại cũng là điểm sáng, góp phần vào diễn biến khởi sắc của phiên. Tính chung cả tuần, khối ngoại mua ròng trở lại với giá trị khoảng 410 tỷ đồng, sau chuỗi nhiều tuần bán ròng liên tiếp. Khối ngoại mua ròng tập trung tại mã KDC (+470 tỷ đồng), SBT (+439 tỷ đồng), VNM (+232 tỷ đồng) và MSN (111,6 tỷ đồng)… Ở chiều ngược lại, bán ròng DGC (-419,5 tỷ đồng), SSI (-288,8 tỷ đồng)…
Theo chuyên gia Agriseco Research, sẽ tương đối khó để dự báo chính xác thời điểm khối ngoại trở lại khớp lệnh mua ròng trên thị trường, đặc biệt là trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể kỳ vọng sự đảo chiều của dòng vốn ngoại sẽ sớm được diễn ra nhờ (1) Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất điều hành trong tháng 9 tới đây giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất, giảm áp lực lên tỷ giá; (2) VN-Index điều chỉnh đưa định giá của thị trường và cổ phiếu về vùng hợp lý có thể thu hút dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài.
Thông tin trong tuần, các doanh nghiệp đang dần hé lộ kết quả kinh doanh quý II/2024. Tính đến hiện tại, khoảng gần 600 doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính hoặc đưa ra ước tính về kết quả kinh doanh.
Trong đó, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 21,6% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng 16,7% của quý I/2024. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế vẫn đang tiếp đà phục hồi, phản ánh vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Agriseco Research bóc tách cụ thể hơn, nhóm tài chính đóng góp lớn vào mức tăng trưởng lợi nhuận trong quý II khi nhóm này có lợi nhuận tăng 34,2% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ nhóm ngân hàng với mức tăng 37%. Ở nhóm phi tài chính, lợi nhuận các doanh nghiệp công bố chỉ đạt mức tăng trưởng 8,6% so với cùng kỳ.
Trong đó, các nhóm ngành có lợi nhuận tăng trưởng có thể kể đến như bất động sản nhà ở, bất động sản khu công nghiệp, cảng biển – logistics, thủy sản, sao su… Ở chiều ngược lại, các nhóm ngành suy giảm về lợi nhuận bao gồm dệt may, dược phẩm, tiện ích (khí đốt, điện, xăng dầu).
Trong tuần vừa qua, báo cáo của một số tổ chức như HSBC, Citibank đều có những đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế của Việt Nam căn cứ vào đà tăng trưởng mạnh mẽ của GDP quý II và các lĩnh vực xuất khẩu, FDI.
Agriseco Research cho rằng, sự phân hoá rõ nét kết quả kinh doanh giữa các nhóm ngành có thể tiếp tục tiếp diễn trong quý III/2024, và nửa cuối năm 2024 khi yếu tố nền thấp của cùng kỳ đã không còn nữa. Do đó việc lựa chọn và tìm kiếm cơ hội đầu tư sẽ cần phải thực hiện một cách kỹ lưỡng.
Về đồ thị kỹ thuật, VN-Index đã có nhịp hồi sau khi phản ứng với vùng 1.220 điểm và RSI quá bán. Tuy nhiên, Agriseco Research nhìn nhận xu hướng ngắn hạn đã trở thành giảm giá và áp lực bán có thể gia tăng trở lại khi VN-Index tiến dần lên vùng 1.250 (+-5) điểm trong các phiên tới. Kịch bản về sự hồi phục hình chữ “V” mà một số nhà đầu tư trên thị trường kỳ vọng ít có khả năng xảy ra, nhất là trong bối cảnh áp lực bán từ nhà đầu tư cá nhân đang mạnh như hiện tại.
VN-Index đang về biên dưới của kênh giá tích lũy, qua đó đưa định giá của nhiều nhóm cổ phiếu về vùng hợp lý hơn để có thể giải ngân. Nhà đầu tư có thể mở các vị thế mua trong nhịp điều chỉnh của thị trường, ưu tiên nhóm ngân hàng và nhóm VN30, tập trung các cổ phiếu đầu ngành khi thị giá đã chiết khấu sâu đồng thời chỉ báo RSI lùi về vùng quá bán.
Nguồn: https://baodautu.vn/goc-nhin-ttck-tuan-297-28-dinh-gia-nhieu-nhom-co-phieu-ve-vung-co-the-giai-ngan-d220937.html