Đình Đại Phùng- Di tích Quốc gia đặc biệt ở Đan Phượng kiến trúc gỗ cổ kinh điển, siêu quý hiếm

Báo Dân ViệtBáo Dân Việt18/02/2025

Công trình này được biết đến với nghệ thuật kiến trúc gỗ cổ được coi là kinh điển, quý hiếm ở Việt Nam. Đó chính là đình Đại Phùng (nằm ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội).


Mới đây, ngày 15/2, đình Đại Phùng (nằm ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã được nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

img

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng cho chính quyền và nhân dân địa phương. Ảnh: VOV

Đình Đại Phùng là một trong những ngôi đình cổ có quy mô lớn tại Việt Nam, được xây dựng từ nửa cuối thế kỷ XVII. Ngôi đình thờ Đức Thánh Tích Lịch Hỏa Quang Thượng Đẳng Thần và tướng quân Vũ Hùng, người có công dẹp giặc dưới thời nhà Trần vào thế kỷ XIV.

Khu di tích nằm ở trung tâm làng Đại Phùng, trên khuôn viên rộng 2.542m². Kiến trúc đình gồm ba hạng mục chính: tiền tế, đại bái và hậu cung. Phía đầu hồi bên phải là một giếng cổ, với nguồn nước đá ong bốn mùa trong xanh, tạo điểm nhấn cho cảnh quan di tích.

img

Đình Đại Phùng nhìn từ trên cao. Ảnh: Internet

Điểm đặc biệt của đình Đại Phùng chính là hệ thống kiến trúc hoàn toàn làm bằng gỗ xoan nguyên thủy. Mái đình lớn, thân thấp, phù hợp với điều kiện khí hậu và cảnh quan địa phương, thể hiện sự sáng tạo tinh tế của cư dân bản địa trong việc thích ứng với môi trường tự nhiên.

Giá trị nổi bật nhất của đình Đại Phùng nằm ở hệ thống trang trí kiến trúc và điêu khắc mang đậm dấu ấn nghệ thuật thế kỷ XVII. Với hơn 1.000 họa tiết chạm khắc tinh xảo, ngôi đình được xem là một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc dân gian Việt Nam. Nghệ thuật tạo hình tại đây đạt đến trình độ điêu luyện hiếm có, không chỉ phản ánh đời sống xã hội đương thời mà còn thể hiện sự tài hoa của những nghệ nhân xưa.

img
img

Công trình lưu giữ nhiều mảng chạm khắc gỗ thể hiện các trò vui, những sinh hoạt văn hóa của ông cha từ xa xưa. Ảnh: Trần Trung Kiên

Nhiều tác phẩm điêu khắc tại đình được chạm bong, chạm lộng với bố cục sống động, thể hiện qua các đề tài đặc sắc như "Vinh quy bái tổ", "Mả táng hàm rồng", "Tiên tắm đầm sen", "Đấu vật"… Từng đường nét chạm trổ đều tinh tế, mang đậm phong cách nghệ thuật dân gian.

Năm 2010, đình Đại Phùng được tu bổ, tôn tạo tổng thể nhằm bảo tồn giá trị kiến trúc nguyên bản. Một số cột gỗ xoan bị xuống cấp đã được thay thế bằng gỗ lim, đảm bảo độ bền vững của công trình. Các họa tiết điêu khắc quý hiếm vẫn được giữ nguyên. Cũng trong năm 2010, đình Đại Phùng được gắn biển "Công trình kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội".

img

Đình Đại Phùng được gắn biển "Công trình kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội". Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị

Với những giá trị kiến trúc, lịch sử và nghệ thuật độc đáo, đình Đại Phùng không chỉ là niềm tự hào của người dân Đan Phượng mà còn là một phần quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.



Nguồn: https://danviet.vn/dinh-dai-phung-di-tich-quoc-gia-dac-biet-o-dan-phuong-kien-truc-go-co-kinh-dien-sieu-quy-hiem-20250217144156262.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam
Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm
DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view
Phượng "Singapore": Cô gái Việt gây sốt khi mỗi bữa nấu gần 30 món ăn

No videos available