Ngày 8.4, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức thông tin báo chí thường kỳ về tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong quý 1/2024, trong đó, Ban Quản lý vịnh Hạ Long thông tin về công tác bảo vệ môi trường trên vịnh Hạ Long.
4 nguồn phát sinh rác từ bên ngoài ‘bủa vây’ vịnh Hạ Long
Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết, thời gian vừa qua, đơn vị đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng để đảm bảo môi trường kinh doanh trên Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, qua rà soát của đơn vị cho thấy, thời gian vừa qua có 4 nguồn phát sinh lượng rác khổng lồ hàng ngày uy hiếp môi trường Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, khi các địa phương giáp vịnh Hạ Long như: TP.Cẩm Phả, H.Vân Đồn, TX.Quảng Yên tổ chức xử lý tình trạng nuôi trồng thủy sản trái phép dẫn tới một lượng phao xốp, bè tre… không được thu gom kịp thời đã trôi dạt tới các đảo đá trên vịnh Hạ Long.
Ngoài ra, vịnh Hạ Long giáp với H.Cát Hải (Hải Phòng), một địa bàn kinh tế – xã hội năng động, tại đây thường xuyên có tình trạng rác thải theo thủy triều trôi dạt sang.
Không những vậy, vịnh Hạ Long kết nối với đại dương nên còn lượng rác từ biển vẫn thường xuyên theo dòng chảy kéo tới.
Cùng đó, vẫn còn một bộ phận ngư dân thiếu ý thức xả rác xuống biển trong quá trình sinh hoạt, đánh bắt thủy sản quanh vịnh Hạ Long cũng làm gia tăng nguồn rác tới kỳ quan này.
Không chỉ bị “bủa vây” dưới biển, mà trên bờ nhiều cống nước thải sinh hoạt không qua xử lý cũng chĩa vào Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long phần nào gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước.
Đã thu gom 100 tấn rác và trên 2.000 m3 phao xốp trong đợt cao điểm làm sạch vịnh
Trước tình hình trên, từ năm 2023, đặc biệt là sau tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã phối hợp với UBND TP.Hạ Long, cùng các cơ quan chức năng khác tổ chức mở đợt cao điểm thu gom rác thải trên biển.
Mỗi ngày có khoảng 20 tàu, thuyền, 100 người thường xuyên thu gom rác tại 5 tuyến điểm tham quan trên vịnh Hạ Long. Đến nay, tổng lượng rác đã thu gom là khoảng 100 tấn, và trên 2.000 m3 phao xốp.
Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long, cho biết trong thời gian tới, để bảo vệ môi trường Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ phục hồi Danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ phục hồi danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngoài ra, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND TP.Hải Phòng xây dựng cơ chế chính sách quản lý Di sản liên tỉnh vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà; đặc biệt tập trung trong công tác quản lý các hoạt động du lịch, bảo vệ môi trường, kiểm soát, thu gom và xử lý các nguồn thải phát sinh.
Cũng theo ông Vũ Kiên Cường, qua đánh giá về sức tải, hiện nay, vịnh Hạ Long vẫn đáp ứng được nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, chỉ trong một vài thời điểm, nhất là mùa du lịch hè, có một số điểm tham quan nổi tiếng bị quá tải như: hang Đầu Gỗ, động Thiên Cung, bãi tắm Ti Tốp… Trong thời gian tới, đơn vị này sẽ lên phương án điều tiết khách tham quan tới đây, đồng thời tăng cường chất lượng dịch vụ các điểm tham quan khách nhằm kéo giãn du khách.