UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 27 quy định điều kiện, diện tích tối thiểu được tách thửa, hợp thửa đối với từng loại đất trên địa bàn. Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/10.
Theo quyết định, với đất ở tại đô thị, diện tích tối thiểu được phép tách thửa của nhà phố là 40m2, kích thước cạnh tiếp giáp đường từ 4m trở lên. Nhà liền kề có sân vườn cần diện tích đất ở tối thiểu 72m2, kích thước cạnh tiếp giáp đường từ 4,5 m trở lên đối với đường đã có tên (hoặc đường chưa có tên mà lộ giới từ 10m trở lên). Tại các đường, đường hẻm còn lại diện tích đất ở phải tối thiểu 64m2, kích thước cạnh tiếp giáp đường từ 4m trở lên.
Đối với nhà biệt lập cần diện tích đất ở tối thiểu 250m2, kích thước cạnh tiếp giáp đường từ 10m trở lên đối với đường đã có tên (hoặc đường chưa có tên mà lộ giới từ 10m trở lên). Còn tại các đường, đường hẻm còn lại diện tích đất ở tối thiểu 200m2, kích thước cạnh tiếp giáp đường từ 10m trở lên.
Với biệt thự cần diện tích đất ở tối thiểu 400m2, kích thước cạnh tiếp giáp đường từ 12m trở lên đối với đường đã có tên (hoặc đường chưa có tên mà lộ giới từ 10m trở lên). Còn tại các đường, đường hẻm còn lại diện tích đất ở tối thiểu 250 m2 và kích thước cạnh tiếp giáp đường từ 10m trở lên.
Với đất ở nông thôn, trường hợp đã có quy định dạng kiến trúc nhà ở tại quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn hoặc quy hoạch chung xây dựng xã đã được phê duyệt, thì diện tích đất ở tách thửa theo quy định dạng kiến trúc nhà ở của quy hoạch đó. Trường hợp kỳ quy hoạch xây dựng đã hết thì tiếp tục áp dụng theo quy hoạch đó cho đến khi quy hoạch mới được phê duyệt.
Trong trường hợp chưa có quy định dạng kiến trúc nhà ở thì diện tích đất ở phải tối thiểu 72m2, kích thước một cạnh đất ở này và kích thước cạnh thửa đất tiếp giáp đường giao thông công cộng hiện có hoặc lối đi từ 4,5m trở lên.
Với đất sản xuất nông nghiệp, đất nông nghiệp khác, diện tích tối thiểu tách thửa là 500m2 tại khu vực đô thị (các phường, thị trấn) và 1.000 m2 tại khu vực nông thôn (các xã). Các thửa đất sau khi tách thửa phải có kích thước cạnh thửa tiếp giáp đường giao thông công cộng hiện có hoặc lối đi tối thiểu 10m.
Với đất rừng sản xuất là rừng trồng, diện tích đất tối thiểu tách thửa là 10.000 m2.
Địa phương cũng quy định 3 trường hợp không được tách thửa, hợp thửa đất. Thứ nhất là đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Thứ hai là đất có vi phạm pháp luật về đất đai và chưa chấp hành việc xử lý vi phạm. Thứ ba là đất được Nhà nước cho thuê (trừ trường hợp cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt do Nhà nước quản lý).
Mới đây, Sở Tư pháp Lâm Đồng có báo cáo về lượng giao dịch và giá giao dịch các loại hình bất động sản qua các hợp đồng công chứng trên địa bàn tỉnh quý III.
Cụ thể, cả tỉnh có gần 5.500 giao dịch gồm đất nền, nhà riêng lẻ và căn hộ chung cư, giảm 4,3% so với quý II. Trong đó, 5.151 lô đất nền được giao dịch với giá trị gần 4.908 tỷ đồng; 325 giao dịch về nhà ở riêng lẻ với tổng giá trị gần 1.356 tỷ đồng; 17 giao dịch căn hộ chung cư với tổng giá trị hơn 35 tỷ đồng.
Đối với giao dịch đất nền, hai TP Đà Lạt và Bảo Lộc đều sụt giảm giao dịch đất nền, lần lượt 16% và 22% so với quý trước. Đà Lạt có hơn 340 lô với tổng giá trị 1.475 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, giao dịch tại thành phố giảm gần 20%. Còn Bảo Lộc có 390 lô được giao dịch với tổng giá trị gần 300 tỷ đồng.
Đối với giao dịch nhà ở riêng lẻ, tại TP Đà Lạt có 164 căn, giá trị hơn 1.176 tỷ đồng, TP Bảo Lộc là 39 căn, hơn 51 tỷ đồng, huyện Đức Trọng là 121 căn, giá trị gần 128 tỷ đồng. Với loại hình căn hộ chung cư, trong quý III, tỉnh Lâm Đồng có 17 giao dịch.
Nguồn: https://dantri.com.vn/bat-dong-san/dieu-kien-phan-lo-tach-thua-dat-moi-nhat-tai-lam-dong-20241002102633582.htm