Các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ luôn mang nhiều yếu tố bất ngờ, kịch tính, thậm chí có khả năng thay đổi cục diện vào phút chót.
Các cử tri đi bỏ phiếu tại một trung tâm bỏ phiếu sớm vào ngày 27/10, tại Los Angeles, California. (Nguồn: Getty Images) |
Trong lịch sử, các yếu tố khó đoán định, những thay đổi do các nhân tố chủ quan và khách quan không những khiến cuộc đua vào Nhà Trắng trở nên kịch tính, hấp dẫn, thu hút sự chú ý toàn cầu mà còn tác động sâu sắc tới nước Mỹ và toàn thế giới.
Thay ứng viên phút chót
Cuộc đua năm 2024 chứng kiến biến động hiếm thấy khi ứng viên của đảng Dân chủ, đương kim Tổng thống Joe Biden bất ngờ tuyên bố rút lui vào ngày 22/7 sau cuộc tranh luận được cho là không thành công với ông Donald Trump ngày 27/6 tại thành phố Atlanta, bang Georgia.
Trước đây từng có tiền lệ khi Tổng thống Lyndon B. Johnson từ chối tái tranh cử vào tháng 3/1968 trong bối cảnh phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam đang lên cao. Dù vậy, quyết định của ông Biden, liên quan vấn đề sức khỏe, được xem là bất ngờ và muộn khi chỉ còn chưa đầy bốn tháng là đến ngày bỏ phiếu chính thức. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ nhanh chóng ổn định tình hình và đưa ra người thay thế là Phó Tổng thống Kamala Harris với sự ủng hộ rất cao của các thành viên Đảng Dân chủ, tới 99%.
Bị kết tội vẫn tranh cử
Một điều chưa từng xảy ra trong lịch sử các cuộc chạy đua vào Nhà Trắng là việc cựu Tổng thống, ứng viên của cuộc đua bị kết tội hình sự trong lúc tranh cử. Ngày 30/5, ứng viên Donald Trump của đảng Cộng hòa bị bồi thẩm đoàn tại Tòa án tối cao Manhattan tuyên phạm tất cả 34 tội danh theo cáo trạng liên quan đến vụ làm giả hồ sơ kinh doanh. Mặc dù phải đối mặt với khả năng phải ngồi tù từ 16 tháng đến bốn năm, điều đáng ngạc nhiên là các cáo buộc này không những không ảnh hưởng tiêu cực mà còn giúp ứng viên Donald Trump củng cố thêm vị thế trong Đảng Cộng hòa.
Những vụ ám sát rúng động
Các ứng viên tổng thống Mỹ luôn được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt trong suốt chiến dịch tranh cử. Song, cho đến nay, đã có năm vụ ám sát nhằm vào các ứng viên khi cuộc đua đến hồi nước rút.
Vụ đầu tiên xảy ra năm 1912, khi cựu Tổng thống Theodore Roosevelt bị bắn trọng thương trong lúc vận động tranh cử. Ông Roosevelt đã may mắn được các tập giấy và hộp kính kim loại trong túi áo ngực cứu sống trong gang tấc.
Vụ thứ hai và bi thảm nhất là ứng viên Robert F. Kennedy (em trai cố Tổng thống John F. Kennedy) bị ám sát vào năm 1968 tại một khách sạn ở Los Angeles ngay sau bài phát biểu chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang California.
Năm 1972, ứng viên George C. Wallace của đảng Dân chủ bị một kẻ ám sát bắn trọng thương tại Maryland. Dù thoát chết, nhưng vết thương từ viên đạn khiến ông bị liệt nửa người, buộc phải rời cuộc đua vào Nhà Trắng.
Năm 2024, bóng ma bạo lực như phủ bóng lên cuộc đua một lần nữa khi ứng viên Donald Trump bị ám sát hụt hai lần chỉ trong vòng hai tháng. Vụ thứ nhất, ông Trump bị bắn sượt qua tai khi đang phát biểu tranh cử tại Butler, Pennsylvania, hôm 13/7. Hai tháng sau, vào ngày 15/9 ông tiếp tục bị ám sát hụt khi đang chơi golf tại West Palm Beach, Florida. Tuy nhiên, hình ảnh ông Trump với khuôn mặt rỉ máu nhưng vẫn giơ cao nắm đấm sau vụ đầu tiên và các phát biểu thể hiện quyết tâm, cứng rắn trong vụ việc thứ hai càng giúp ông củng cố thêm uy tín.
Tính quyết định của lá phiếu
Một trong những “đặc sản” của bầu cử tổng thống Mỹ là người thắng cuộc không nhất thiết phải thắng phiếu phổ thông (popular vote) trên toàn quốc mà là người đạt được ít nhất 270 phiếu đại cử tri từ 538 đại cử tri đoàn.
Trong cuộc đua năm 1824, khi ông Andrew Jackson dù thắng phiếu phổ thông so với ông John Quincy Adams, nhưng do không ứng viên nào đạt đa số phiếu đại cử tri cần thiết, cuộc bầu cử được Hạ viện quyết định và ông Adams đã giành chiến thắng sát nút với chỉ một phiếu bầu.
Tương tự, trong cuộc đua năm 1876, ông Rutherford B. Hayes để thua trước đối thủ 250.000 phiếu phổ thông song lại giành chiến thắng chung cuộc bằng cách biệt một phiếu đại cử tri. Cuộc đua năm 1880 còn kịch tính hơn khi ông James A. Garfield chỉ thắng ông Winfield Scott Hancock với 7.368 phiếu phổ thông và giành được 214 phiếu đại cử tri so với 155 phiếu của đối thủ.
Vào năm 1960, ông John F. Kennedy vượt qua ông Richard Nixon với khoảng cách chưa đến 120.000 phiếu trong tổng số 68,8 triệu phiếu bầu và giành được 303 phiếu đại cử tri so với 219 phiếu của ông Nixon. Cuộc bầu cử năm 2000 giữa ông George W. Bush và ông Al Gore cũng giằng co đến phút cuối và cuối cùng ông Bush thắng với 271 phiếu đại cử tri so với 266 phiếu của ông Al Gore dù thua tới hơn nửa triệu phiếu phổ thông.
Cuộc đua năm 2016 tiếp tục cho thấy tính chất phức tạp và cạnh tranh gắt gao của hệ thống bầu cử Mỹ khi ông Donald Trump giành chiến thắng với 304 phiếu đại cử tri, mặc dù bà Hillary thắng phiếu phổ thông với hơn 2,8 triệu phiếu.
Hiện cuộc đua giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đang diễn ra vô cùng sít sao. Đến nay, ông Donald Trump được dự báo gần như chắc chắn “ẵm trọn” 219 phiếu đại cử tri của các bang thành trì, có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa.
Trong khi đó, bà Harris cũng gần như nắm chắc 226 phiếu đại cử tri của các bang “sân nhà” của Đảng Dân chủ. Do đó, nhiều khả năng kết quả bỏ phiếu tại bảy bang chiến trường dao động sẽ quyết định “số phận” cuộc đua năm nay.
“Bất ngờ tháng 10”
Bên cạnh các nhân tố bên trong, những biến cố bên ngoài đã nhiều lần tạo bước ngoặt bất ngờ trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đặc biệt khi đến giai đoạn nước rút.
Ngày 26/10/1972, khi Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger bất ngờ tuyên bố “hòa bình đang đến gần” ở Việt Nam khiến cử tri Mỹ nghĩ tới việc sắp kết thúc cuộc chiến gây nhiều tranh cãi và giúp Tổng thống Nixon giành chiến thắng áp đảo với cách biệt 18 triệu phiếu phổ thông.
Năm 2004, trong cuộc đua gay cấn giữa ông John Kerry và ông George Bush, khi ông Kerry đang chiếm ưu thế, thì thủ lĩnh Al Qaeda Bin Laden bất ngờ xuất hiện với lời đe dọa tấn công nước Mỹ. Điều này khiến người dân nhớ lại vụ khủng bố 11/9 và đánh giá cao cách xử lý của Tổng thống Bush, giúp ông giành chiến thắng cuối cùng.
Tương tự, một tuần trước cuộc bầu cử 2012, siêu bão Sandy tấn công nước Mỹ tạo cơ hội cho Tổng thống Obama thể hiện khả năng lãnh đạo trong khủng hoảng, giúp ông lật ngược tình thế tại các bang dao động và giành được nhiệm kỳ thứ hai.
Trong chặng đua nước rút năm nay, hai siêu bão Helene và Milton càn quét một số bang chiến địa cùng với cuộc đình công của 45.000 công nhân cảng toàn nước Mỹ được giới quan sát cho rằng có thể gây ra những “bất ngờ tháng 10” mới. Các yếu tố bất ngờ này chắc chắn sẽ được các ứng viên sử dụng như một công cụ vận động hiệu quả để thuyết phục cử tri còn phân vân chưa quyết định bỏ phiếu cho ai.
Nội bộ phân cực sâu sắc
Trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ, sự phân cực chính trị phản ánh rõ nét qua từng cuộc bầu cử và ngày càng trở nên sâu sắc. Từ những tranh cãi gay gắt về kết quả bầu cử năm 2000 giữa ông George W. Bush và ông Al Gore, đến cuộc bầu cử 2020 với các cáo buộc gian lận và vụ tấn công điện Capitol ngày 6/1/2021, mức độ chia rẽ trong xã hội Mỹ đã lên đến mức báo động, thể hiện qua khảo sát của Viện chính trị và dịch vụ công Georgetown sau bầu cử giữa kỳ 2022 với điểm số 71/100 về mức độ chia rẽ chính trị.
Đây là một con số đáng lo ngại khi ngưỡng tối đa được coi là dấu hiệu của nguy cơ nội chiến. Bước vào cuộc bầu cử 2024, các vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Trump càng làm trầm trọng thêm tình trạng này, đặt ra thách thức lớn về khả năng vận hành của nền dân chủ Mỹ cũng như yêu cầu cấp thiết đối với người chiến thắng trong việc hàn gắn những rạn nứt đang ngày càng nới rộng trong xã hội Mỹ hiện nay.
Công cụ vận động mới
Lịch sử bầu cử Mỹ luôn gắn liền với những đổi mới trong chiến lược vận động bằng truyền thông. Năm 1960, cuộc tranh luận trên truyền hình đầu tiên giữa John F. Kennedy và Richard Nixon đã mở ra kỷ nguyên của truyền thông nghe nhìn trong bầu cử.
Bước sang thế kỷ XXI, cựu Tổng thống Barack Obama tạo dấu ấn năm 2008 khi tiên phong sử dụng mạng xã hội Facebook và YouTube để lan tỏa thông điệp tranh cử. Đến năm 2016, ông Trump định nghĩa lại cuộc chơi bằng cách biến Twitter thành diễn đàn chính trị cá nhân với phong cách giao tiếp trực tiếp, không qua trung gian.
Bầu cử năm 2024 đánh dấu bước chuyển mới về công cụ truyền thông với sự nổi lên của podcast như một kênh vận động đặc biệt hiệu quả. Đáng chú ý nhất là chiến lược của ông Donald Trump khi chủ động tránh các phương tiện truyền thông chính thống nhưng tích cực xuất hiện trong các podcast đa dạng từ thể thao đến hài kịch, thu hút hơn 50 triệu lượt xem chỉ tính riêng trên YouTube. Điều này cho thấy thay đổi căn bản trong cách thức các ứng viên tiếp cận cử tri, từ truyền thông một chiều truyền thống sang tương tác đa chiều trên các nền tảng số hiện đại.
Bầu cử Tổng thống Mỹ – một trong những cuộc bầu cử phức tạp, khó đoán định bậc nhất thế giới đang diễn ra với những điều đặc biệt và hứa hẹn những bất ngờ mới. Trong bối cảnh xã hội Mỹ đang phân cực sâu sắc, thế giới đang đối mặt với hàng loạt thách thức ngày càng gay gắt, kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng lần thứ 60 này không chỉ định hình cục diện nước Mỹ trong những năm tiếp theo, mà còn có những tác động và ảnh hưởng mang tính toàn cầu.
Nguồn: https://baoquocte.vn/dieu-dac-biet-cua-bau-cu-my-292060.html