(Dân trí) – Với kiến trúc độc đáo và mang điểm nhấn riêng biệt, ba ga ngầm của tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã sẵn sàng cho ngày vận hành chính thức.
Ga Bến Thành là nhà ga trung tâm của tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), có quy mô và diện tích lớn nhất trong 14 nhà ga. Ga dài 236m, rộng 60m, sâu khoảng 32m, gồm 4 tầng. Theo quy hoạch, ga Bến Thành sẽ là điểm kết nối các tuyến metro số 1, 2, 4, 3a.
Tuyến metro số 1 đã hoàn thành 100% khối lượng thi công, hiện đang làm các thủ tục để đưa vào khai thác ngày 22/12.
Điểm nhấn của ga Bến Thành là giếng trời cao 6m, đường kính 21,6m, thiết kế hình hoa sen với chức năng cung cấp ánh sáng tự nhiên cho tầng hầm. Ngoài ra, giếng trời còn tạo không gian mở cho ga ngầm.
Ga Bến Thành được thiết kế với tone màu trắng chủ đạo, có 174 trụ bêtông ốp nhôm.
Tầng đầu tiên có diện tích 45.000m2, ngoài chức năng làm sảnh chờ, bán vé, khu vực này còn tích hợp thêm trung tâm thương mại.
Toàn nhà ga đều có đủ thang máy, thang bộ và thang cuốn cho hành khách.
Khu vực ke ga (lối lên xuống tàu) của ga Bến Thành nằm ở tầng hầm thứ 2. Hệ thống bảng chỉ dẫn, đèn tín hiệu đã được lắp đặt đầy đủ.
Ga Nhà hát Thành phố nằm cách đó không xa cũng được thiết kế vô cùng sang trọng với điểm nhấn là trần được lắp hoa văn bằng sắt màu nâu, mô phỏng phong cách kiến trúc của công trình Nhà hát Thành phố.
Ga Nhà hát Thành phố được thiết kế ngầm dài 190m, rộng 26m, có 4 tầng với diện tích gần 5.000m2.
Hệ thống máy bán vé tự động được lắp đặt ở tầng hầm đầu tiên của ga, hành khách đi tàu có thể chọn các loại vé theo lượt, theo ngày, ba ngày và theo tháng.
Khu soát vé được chia thành các luồng, trong đó có một số luồng được thiết kế rộng hơn các luồng còn lại để dành cho người khuyết tật.
Giá vé tàu cho mỗi lượt thấp nhất là 7.000 đồng, cao nhất là 20.000 đồng (đối với khách trả tiền mặt). Khách mua vé lượt không dùng tiền mặt, giá vé thấp nhất là 6.000 đồng và cao nhất 19.000 đồng.
Khách mua vé ngày là 40.000 đồng, không giới hạn số lượt đi lại trong ngày; vé 3 ngày là 90.000 đồng, không giới hạn số lượt đi trong 3 ngày. Khách phổ thông mua vé tháng là 300.000 đồng, không giới hạn lượt đi trong tháng. Giá vé tháng cho học sinh, sinh viên là 150.000 đồng. Giá vé trên đã bao gồm bảo hiểm hành khách.
Toàn bộ khu vực ở các nhà ga metro đều được lát những tấm gạch tenji dành cho người khiếm thị.
Đường ray dẫn vào nơi tàu dừng, đỗ để đón và trả khách ở tầng hai của ga Nhà hát Thành phố. Ga Nhà hát Thành phố và ga Ba Son được nối liền nhau với đoạn đường ray ngầm khoảng 1km, sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, tàu chỉ mất khoảng hơn một phút để di chuyển giữa hai điểm ga này.
Là ga ngầm có quy mô nhỏ nhất trong 3 ga, ga Ba Son chỉ có 2 tầng, dài 240m, rộng hơn 34m, sâu 20m. Điểm nhấn của ga Ba Son là trần được ốp lớp hoa văn bằng thép màu trắng, tạo hình sóng lượn.
Hiện tại, ga Ba Son có 24 nhân viên vận hành, ga Nhà hát Thành phố và ga Bến Thành lần lượt có 27 và 23 nhân sự.
“Là một trong những dự án trọng điểm của thành phố, tuyến metro số 1 đang tiến dần về đích. Hi vọng đây sẽ là một điểm sáng để thành phố vươn mình phát triển hơn nữa”, anh Lê Hữu Duyên (nhân viên ga Ba Son) chia sẻ.
Những ngày này, công nhân đang dọn dẹp, vệ sinh sàn, kiểm tra các hạng mục để đảm bảo vận hành vào ngày 22/12 sắp tới.
Ga Ba Son cũng là ga ngầm cuối cùng của tuyến metro số 1 trước khi chuyển tiếp lên đoạn trên cao.
Metro số 1 là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên được xây dựng tại TPHCM, dài 19,7km, gồm 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao. Tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỷ đồng. Dự án có lộ trình qua các quận 1, Bình Thạnh, TP Thủ Đức (TPHCM) và Dĩ An (Bình Dương).
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/dien-mao-3-ga-ngam-cua-tuyen-metro-so-1-truoc-ngay-khai-thac-20241212234636791.htm