Vốn bảo trì mới đáp ứng 40%
Hiện nay, vốn bảo trì đường bộ mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu, khiến việc bảo trì đường luôn trong tình trạng thiếu trước, hụt sau.
Rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật là đường dây, cáp, đường ống và các công trình khác lắp đặt trong hành lang đường bộ.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc và nâng cấp các tuyến quốc lộ cần khoảng hơn 3 triệu tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, mỗi năm cũng cần một lượng vốn bảo trì rất lớn.
Tuy vậy, theo tính toán của cơ quan chức năng, ngân sách dành cho bảo trì đường cao tốc, quốc lộ mới được cấp 12.000 tỷ đồng/năm, trong khi nhu cầu lên đến gần 30.000 tỷ đồng/năm.
Ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ VN cho biết, thu phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện mới đạt khoảng 9.000 tỷ đồng/năm, ngân sách Nhà nước phải cấp bù hơn 3.000 tỷ đồng. Hệ thống quốc lộ có hơn 25.000km, trong đó có hơn 10.000km đến kỳ trung và đại tu, thảm bê tông nhựa nhưng không có nguồn vốn.
Trong khi đó, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho biết, trong khi nguồn vốn ngân sách Nhà nước chưa thể bố trí đủ, đơn vị này phải cân đo đong đếm, sửa chữa dứt điểm từng vị trí hoặc đoạn đường nhằm đảm bảo “tuổi thọ” đường.
“Muốn đủ nguồn vốn cho quỹ bảo trì thì mức thu trên đầu xe phải tăng 2 – 3 lần. Tuy nhiên, việc này sẽ tác động đến ngành khác, nhất là làm tăng chi phí logistics. Khi nguồn lực Nhà nước hạn hẹp, chúng tôi cũng tính toán đến việc huy động vốn từ tư nhân. Với cao tốc hiện hữu, Cục Đường bộ VN tính toán sử dụng phương án thuê nhà đầu tư khai thác hoặc hợp đồng O&M thì Nhà nước sẽ không tốn nguồn lực cho công tác bảo trì”, ông Thái nói.
Đã khai thác, sử dụng phải trả phí
Theo ông Lê Hồng Điệp, trước đây Luật Giao thông đường bộ có quy định, trong phạm vi đất dành cho đường bộ được bố trí một số công trình thiết yếu như: Công trình phục vụ quản lý, khai thác đường bộ, công trình viễn thông, điện lực, đường ống cấp, thoát nước, xăng, dầu, khí… song chưa quy định các doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh này phải nộp phí cho Nhà nước.
Luật Đường bộ được thiết kế đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong tình hình mới. Từ đó đặt ra nhu cầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật dùng chung và đưa ra cơ chế thu phí hay thu giá. Nhà nước không thể gánh được các chi phí có lợi cho doanh nghiệp.
Ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ VN
“Hệ thống thông tin, cáp truyền hình, cấp nước phục vụ mục đích thương mại. Trong khi đó, Nhà nước phải bỏ rất nhiều tiền để đầu tư hạ tầng đường bộ, nên doanh nghiệp không thể hưởng lợi miễn phí. Hơn nữa, Nhà nước đầu tư hạ tầng mà không thu phí có thể sẽ tạo ra bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp”, ông Điệp nói.
Tại Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua, bên cạnh bổ sung quy định thu phí các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, Luật Đường bộ cũng bổ sung quy định thu phí từ khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, trên hệ thống đường bộ có rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật là đường dây, cáp, đường ống và các công trình khác lắp đặt trong hành lang đường bộ, do các cá nhân và tổ chức thực hiện.
“Các tổ chức và cá nhân thực hiện đều nhằm mục đích kinh doanh. Do đó, việc phải bỏ ra một phần lợi nhuận để chi trả cho việc sử dụng là phù hợp với cơ chế thị trường”, ông Quyền nói.
Thêm nguồn vốn cho bảo trì đường bộ
Một chuyên gia giao thông nhìn nhận, doanh thu hàng năm của các đơn vị viễn thông hay nước sạch lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Nếu chỉ thu một phần nhỏ trên doanh thu của các doanh nghiệp đang sử dụng hạ tầng đường bộ thì tiền nộp ngân sách Nhà nước để dành cho giao thông sẽ tăng đáng kể.
“Thu tiền thuê khai thác và sử dụng hệ thống hạ tầng đường bộ có thể làm tăng giá giá điện, giá cước viễn thông, giá nhiên liệu. Tuy nhiên, việc tăng thêm nguồn lực cho bảo trì đường bộ sẽ làm chất lượng đường được nâng lên, giao thông thuận lợi, an toàn. Lưu lượng vận chuyển tăng sẽ làm giá cước vận tải giảm, dẫn đến chi phí xã hội cũng giảm theo”, vị này nói.
Theo ông Lê Hồng Điệp, Luật Đường bộ quy định khi xây dựng đường đô thị phải có công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung bằng cách ngầm hóa, tránh tình trạng đào lấp đường, vỉa hè nhiều lần.
“Doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực này muốn cùng khai thác, phải thuê và trả phí sử dụng. Nguồn thu từ cho thuê hạ tầng kỹ thuật dùng chung sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước, từ đó giúp tăng thêm nguồn thu cho quốc gia, tạo thuận lợi cho việc phân bổ ngân sách, trong đó có bảo trì đường bộ”, ông Điệp khẳng định.
Để hiện thực hóa quy định này, ông Điệp cho biết, Bộ GTVT và Bộ Tài chính sẽ phối hợp xây dựng nghị định hướng dẫn về mức thu và cách thức thu. Nếu thu theo cơ chế giá sẽ do Bộ GTVT ban hành mức giá cho thuê. Mức giá cho thuê sẽ được tính toán trên cơ sở chi phí đầu tư và thời gian khai thác công trình hạ tầng sử dụng chung. Còn nếu theo cơ chế phí sẽ do Bộ Tài chính xây dựng và ban hành.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/dien-luc-vien-thong-phai-tra-phi-thue-ha-tang-duong-bo-19224071600091027.htm