Viet Nam International Sourcing: Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu Cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng ngành hàng không |
Đây là nội dung được đưa ra tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU do Bộ Công Thương phối hợp UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023).
Việt Nam đứng thứ 11 trong các nước cung ứng hàng hóa cho EU
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thảo Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương)- cho biết, những năm gần đây, bất chấp bất ổn thị trường, chuỗi cung ứng, giao thương và kinh tế EU đối mặt với nhiều khó khăn, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – EU vẫn ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng tốt, với vai trò hỗ trợ đáng kể từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Hiện nay, EU là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang đứng vị trí đối tác thương mại thứ 16 của EU và là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN. Tính riêng về xuất khẩu, Việt Nam xếp thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2022 kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 62,24 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2021, và chiếm tỷ trọng 8,5% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Cán cân thương mại xuất siêu nghiêng về phía Việt Nam.
Năm 2022, xuất khẩu hàng hóa sang hầu hết thị trường trong khối EU đều tăng rất mạnh. Đáng chú ý nhiều thị trường đạt mức tăng 2 con số như Ai Len (tăng 45,9%), Đan Mạch (tăng 40,0%); Hà Lan (tăng 35,8%); Đức (tăng 23,1%).
Còn nhiều tiềm năng để mở rộng xuất khẩu vào thị trường EU |
Cơ cấu thị trường cũng chứng kiến sự dịch chuyển tích cực khi không chỉ duy trì và phát triển xuất khẩu sang các thị trường lớn, cửa ngõ trong Khối như Hà Lan, Đức, Bỉ, Pháp, mà dần mở rộng sang các thị trường nhỏ hơn, thị trường ngách như tại Đông Âu, Bắc Âu, Nam Âu với tốc độ tăng trưởng ấn tượng (điển hình là Ba Lan, Thụy Điển, Séc, Slovenia, Ai Len, Đan Mạch, Rumani…).
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022 ghi nhận 9 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó nhiều mặt hàng tăng trưởng 2 con số. Cơ cấu mặt hàng cũng ngày càng đa dạng hơn. Không chỉ tập trung vào các mặt hàng chủ lực như: Điện thoại các loại & linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử; máy móc, thiết bị phụ tùng; giày dép; dệt may mà còn đẩy mạnh xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản sang EU.
Bước sang năm 2023, nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất vẫn duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu hàng hóa tại EU sụt giảm đã tác động đáng kể đến trao đổi thương mại giữa Việt Nam với khu vực thị trường này. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU đạt 38,8 tỷ USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó xuất khẩu sang EU đạt 29 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên tốc độ giảm đã có dấu hiệu chậm lại.
Đồng thời, mức lạm phát tại EU tiếp tục được điều chỉnh tích cực sẽ là yếu tố hỗ trợ tiêu dùng hàng hóa tại khu vực trong thời gian tới; nhập khẩu hàng hóa cũng sẽ dần cải thiện khi tồn kho giảm và nhu cầu mua sắm dịp cuối năm tăng cao. Do đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU được nhận định có thể phục hồi kể từ Quý IV/2023.
Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng và dòng đầu tư mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc gia tăng cạnh tranh thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các đối tác EU tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bền vững cùng có lợi với EU. Đặc biệt, với ưu thế về vốn và công nghệ, cùng những ưu tiên của EU về chuyển đổi “xanh và số” sẽ hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi mô hình sản xuất xanh, tuần hoàn, giúp hàng hóa Việt Nam có ưu thế về chất lượng, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của EU và cũng phù hợp với xu thế phát triển bền vững hiện nay.
Cơ hội nào cho doanh nghiệp
Ông Jean Jacques Bouflet – Phó Chủ tịch phụ trách Chính sách của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với lợi thế về vị trí địa lý chiến lược, nền kinh tế ổn định lực lượng lao động trẻ và các chính sách hợp lý, các yếu tố này cùng hội tụ để biến Việt Nam thành điểm đến hàng đầu cho các công ty của Liên minh Châu Âu.
“Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) cùng với công tác chống dịch hiệu quả, đã làm tăng sự uy tín của Việt Nam như một điểm đến tin cậy trong quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Jean Jacques Bouflet nhấn mạnh.
Cũng theo ông Jean Jacques Bouflet, kể từ khi Hiệp định EVFTA được ký kết, các công ty từ Liên minh châu Âu đã đầu tư hơn 26 tỷ USD vào khoảng 2.250 dự án tại Việt Nam. Trong đó có thể kể đến như Tập đoàn Lego của Đan Mạch đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào một nhà máy theo hướng xanh, bền vững và thân thiện với môi trường với quy mô 44 hecta tại Bình Dương. Hay như tập đoàn Adidas của Đức đã hợp tác với 51 nhà cung cấp tại Việt Nam. Đây là minh chứng cho sự phát triển nhanh chóng và sâu sắc trong mối quan hệ giữa các doanh nghiệp của EU và Việt Nam, xuất phát từ các yếu tố địa chính trị và nhu cầu mở rộng thị trường sang Châu Á.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch EuroCham cho biết thêm, người tiêu dùng toàn cầu ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thân thiện với môi trường và các công ty tập trung và đầu tư nhiều hơn vào logistics xanh. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức liên quan đến chuyển đổi xanh, phát triển theo hướng bền vững.
“Việt Nam đối mặt với thách thức kép khi không chỉ phải tích hợp vào các chuỗi cung ứng toàn cầu này mà còn phải chuyển đổi mô hình thành chuỗi cung ứng xanh”, Phó chủ tịch EuroCham chia sẻ.
Để giải quyết những khó khăn này, ông Jean Jacques Bouflet cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn xanh thông qua việc áp dụng các quy định về môi trường nghiêm ngặt hơn; đầu tư nhiều vào nghiên cứu, phát triển và cải tiến hạ tầng; nâng cao năng lực logistics – đào tạo nguồn nhân lực.
Về phía EuroCham, ông Jean Jacques Bouflet cho biết, EuroCham cam kết đóng góp vào việc khai thác tiềm năng của EVFTA bằng cách triển khai các chiến dịch nâng cao nhận thức về lợi ích của hiệp định. Đồng thời tổ chức các hội thảo giúp thúc đẩy mối liên kết trực tiếp giữa các nhà cung cấp Việt Nam và người tiêu dùng đến từ châu Âu. Đặc biệt, tập trung vào việc xây dựng năng lực, đào tạo nâng cao nhận biết về Hiệp định EVFTA cho các thành viên, kèm theo các nền tảng chia sẻ kiến thức, đảm bảo họ được trang bị đủ để tận dụng các lợi ích của hiệp định này.
Trong một liên minh chiến lược, EuroCham đang hợp tác chặt chẽ với nhiều đối tác khác nhau để thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) trong khu vực. “EuroCham đóng vai trò cầu nối giữa Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp châu Âu trong các cuộc đối thoại chính sách cởi mở và cùng chung tay xây dựng các chính sách thúc đẩy lợi ích của đôi bên. Trong đó, thúc đẩy chuyển đổi số trong thực thi các thủ tục hành chính đóng vai trò rất quan trọng, đảm bảo các hoạt động thương mại diễn ra hiệu quả và minh bạch”, ông Jean Jacques Bouflet nhấn mạnh.