Tham dự Diễn đàn có các đồng chí: Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chiến lược và tư vấn chính sách cùng 200 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, lãnh đạo các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý của một số tỉnh/thành trong cả nước.
Kinh tế xanh (Green economy) là nền kinh tế ít phát thải các-bon, giảm thiểu mối nguy hại đến môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Trên nền tảng này, nền kinh tế xanh đặt ra khuôn khổ lồng ghép các hoạt động kinh tế với vấn đề bảo vệ môi trường và tài nguyên. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 của Việt Nam khẳng định mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất. Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, Chính phủ đã đặt mục tiêu: Cường độ phát thải trên GDP vào năm 2030 giảm ít nhất 15% so với năm 2014, và ít giảm ít nhất 30% đến năm 2050. Tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95% đến năm 2030. Tỉ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chia sẻ: Thời gian gần đây, sự hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp về kinh doanh bền vững, giảm phát thải ra môi trường đã được nâng cao rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và là lợi thế cạnh tranh. Nhiều tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp lớn cũng đã nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế các-bon thấp, hướng tới mục tiêu Net Zero.
Tuy nhiên, sự thay đổi này chủ yếu diễn ra chủ yếu ở khối các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khá nhiều nhưng chưa quan tâm thích đáng và chưa có chuyển biến rõ nét. Do vậy, trong thời gian tới các doanh nghiệp cần quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ, đặc biệt nâng cao hiểu biết, nhận thức về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nắm bắt các quy định liên quan của cả trong nước và quốc tế.
Từ thực tiễn đó cho thấy, chúng ta cần phải có quyết sách đủ mạnh để cụ thể hóa quan điểm “đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững”; đồng thời huy động được nguồn lực xã hội hóa và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Theo đó, sẽ đề xuất hệ thống quan điểm mới, tư duy mới đáp ứng bối cảnh tầm nhìn đến 2050. Quan điểm xuyên suốt là Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt, doanh nghiệp và người dân là trung tâm và chủ thể thực hiện, cùng với sự tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội.
Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Diễn đàn “Nhà Quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với Tài nguyên và môi trường” do Báo Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức đã trở thành sự kiện thường niên và là địa chỉ để các bên liên quan cùng chia sẻ, trao đổi về các lĩnh vực quan trọng, vấn đề “nóng” của ngành tài nguyên môi trường.
Qua mỗi kỳ tổ chức, Diễn đàn ngày càng nhận được sự quan tâm, tham gia hưởng ứng của nhiều nhà quản lý ở cả Trung ương và địa phương, lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
“Tại Diễn đàn hôm nay, tất cả các ý kiến đóng góp, gợi ý của quý vị đại biểu sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu để phục vụ nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường. Mục tiêu chung nhằm bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26” – Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh và đề nghị mỗi đại biểu sẽ là đại sứ lan tỏa và truyền tải hiệu quả thông điệp chuyển đổi, phát triển xanh, sạch, bền vững.
Nối tiếp thành công của các Diễn đàn trước, Diễn đàn “Nhà Quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VIII – 2024 với Chủ đề “Kinh tế xanh – Trách nhiệm của nhà sản xuất” sẽ tập trung vào các vấn đề về phát triển xanh của doanh nghiệp: Trách nhiệm và vướng mắc đang cản trở doanh nghiệp thực hành phát triển bền vững; Thảo luận những hành lang cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp xanh, cũng như vai trò của báo chí truyền thông trong việc đồng hành, tuyên truyền và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế cả về chính sách và hoạt động của các doanh nghiệp.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định nhà sản xuất, nhập khẩu có 02 trách nhiệm: (1) Trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì – áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế (Điều 54) và (2) Trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải – áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải (Điều 55).
Theo đó, các ngành kinh tế, sản xuất xanh sẽ từng bước hạn chế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; phát triển công nghệ xanh, hệ thống quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất theo kinh nghiệm thực hành tốt để tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, cải thiện môi trường sinh thái.
Diễn đàn bao gồm 2 phiên. Phiên tham luận: Kinh tế xanh – Trách nhiệm của nhà sản xuất có sự tham gia của các diễn giả: PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường; Ông Trần Quang Dũng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam); Bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc vận hành Liên minh tái chế bao bì Việt Nam – PROVIETNAM. Mỗi ý kiến góp phần tạo nên một bức tranh tổng thể về phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam từ thực tế đến chính sách cũng như vai trò của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất trong việc xây dựng một nền kinh tế giảm phát thải, phù hợp với “luật chơi” biến đổi khí hậu toàn cầu.
Phiên Toạ đàm: “Con đường đến đích xanh” có sự tham gia của các diễn giả: TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia; TS. Bùi Đức Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT; Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ – Phó Chủ nhiệm Thường trực CLB Báo Chí Phát triển Xanh – Green Media Hub; Ông Nguyễn Phước Minh, Trưởng phòng Kỹ thuật Nhà máy Ford Việt Nam; ông Nguyễn Công Luận, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS)… Tại phiên toạ đàm, các diễn giả tập trung thảo luận những tồn tại về chính sách, về điểm yếu của các doanh nghiệp và vai trò của báo chí truyền thông giải pháp trong hành trình đến đích xanh của nền kinh tế, cũng như những giải pháp để tháo gỡ các điểm nghẽn đó.
Đáng chú ý tại Diễn đàn năm nay, lần đầu tiên Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh – Green Media Hub thuộc Hội Nhà báo Việt Nam do nhà báo Lê Xuân Trung – Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ đã kêu gọi và truyền cảm hứng đến những người làm báo tham gia mạnh mẽ Giải thưởng Báo chí Phát triển Xanh lần thứ Nhất (2023-2025)… Đây cũng là một hành động thiết thực của giới báo chí đồng hành cùng thúc đẩy toàn xã hội với vai trò nòng cốt là các doanh nghiệp, cùng đến đích Xanh của nền kinh tế trong tương lai…
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh. Điển hình như chuyển dịch năng lượng tích cực, trong đó năng lượng tái tạo chiếm khoảng 27,1% trong tổng công suất và 13,7% về sản lượng trong hệ thống điện toàn quốc. Nếu so với mục tiêu đề ra đến năm 2030 đạt khoảng 15-20% và năm 2045 đạt khoảng 25-30% trong Nghị quyết số 55-NQ/TW, công suất các nguồn năng lượng tái tạo có thể đạt được.
Tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Việt Nam đến cuối năm 2023 đạt 16,5%. Tín dụng xanh tăng trưởng 20%/năm từ năm 2017 đến nay và chiếm gần 4,5% dư nợ của nền kinh tế năm 2023. Giai đoạn 2019 – 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh.
Năm 2023, Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ các-bon thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) thu về 51,5 triệu USD; năm 2022, cả nước có khoảng 240.000 hecta canh tác hữu cơ (trong khi năm 2016 chỉ là 77.000 ha); có 59/63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai nông nghiệp hữu cơ…
Những kết quả trên cho thấy, dù là nước đang phát triển, nhưng Việt Nam đã chủ động hội nhập xu thế phát triển thời đại. Thúc đẩy để chuyển nhanh sang mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế dựa vào tri thức, kinh tế tuần hoàn và luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt là phát triển bền vững và không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/dien-dan-nha-quan-ly-nha-bao-doanh-nghiep-voi-tai-nguyen-va-moi-truong-kinh-te-xanh-va-trach-nhiem-cua-nha-san-xuat-375999.html