(ĐCSVN) – Diễn đàn là dịp để cơ quan quản lý chuyên ngành từ Trung ương tới địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng bởi thiên tai cùng nhìn nhận, rút ra bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng, chống thiên tai. Từ đó, đề xuất các phương án, giải pháp, quan điểm để tiến tới xây dựng cộng đồng xã hội an toàn trước thiên tai.
Ngày 23/12, tại Yên Bái, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Yên Bái cùng các đơn vị liên quan phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai”.
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT cho biết, bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu mưa sau bão là đợt thiên tai nghiêm trọng, khốc liệt nhất trong nhiều năm qua ở Bắc bộ; xảy ra gần như đồng thời các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm (bão rất mạnh, lũ đặc biệt lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt xảy ra trên diện rộng,…); tác động, ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các hoạt động kinh tế – xã hội, thiết chế hạ tầng từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và miền núi.
Hình ảnh tại Diễn đàn (Ảnh: PV) |
Diễn đàn là dịp để các cơ quan quản lý chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng bởi thiên tai cùng nhìn nhận, rút ra bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng, chống thiên tai. Từ đó đề xuất các phương án, giải pháp, quan điểm tiến tới xây dựng các cộng đồng xã hội an toàn hơn trước thiên tai.
Theo ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái, sau bão Yagi, tổng thiệt hại ước tính tại Yên Báo lên tới gần 6.000 tỷ đồng. Do đó, Diễn đàn lần này là cơ hội quan trọng cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ quan quản lý cùng ngồi lại với nhau, tìm ra hướng đi.
Ông Phước cho biết, công tác khắc phục hậu quả được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, việc khôi phục sản xuất nông nghiệp được ưu tiên hàng đầu. Theo đó, trong các đợt thiên tai, dù có sự chuẩn bị từ trước, nhưng khi bão lớn xảy ra, công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn phải huy động rất nhiều nguồn lực. Do đó, việc chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng cứu hộ, phương tiện, vật tư và kinh phí sẽ giúp tỉnh nhanh chóng ứng phó và khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái đề nghị nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp cùng các đơn vị của chính quyền tỉnh cùng chung sức tiếp tục khôi phục sản xuất. Thông qua Diễn đàn, ông Phước cũng mong muốn nhận được các sáng kiến, sự vào cuộc của các nhà đầu tư để tiếp tục giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, mặc dù luôn đề cao tinh thần cảnh giác và xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó theo phương châm “Hành động sớm để chủ động phòng, chống thiên tai”, nhưng những cơn bão mạnh hiếm gặp như bão số 3 (Yagi) xảy ra trong tháng 8 và tháng 9/2024 kéo theo hoàn lưu gây mưa lớn trên diện rộng đã tạo ra những đợt lũ lịch sử trên các lưu vực sông ở miền Bắc.
“Thiên tai là phép thử lớn nhất để kiểm chứng năng lực của hệ thống phòng, chống thiên tai. Qua cơn bão Yagi, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã chung sức, đồng lòng để vượt qua những thời khắc khó khăn nhất, cố gắng ở mức cao nhất để bà con vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai không bị đói, khát; những người yếu thế, người trong vùng nguy hiểm được hỗ trợ di tản đến nơi an toàn; công tác vận hành các hồ chứa lớn trên thượng nguồn các lưu vực sông đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến vùng hạ du. Việc kêu gọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho công tác ứng phó sự cố thiên tai khẩn cấp cũng được triển khai rộng khắp và nhanh chóng. Đây là nguồn lực to lớn để hỗ trợ các địa phương và bà con tái thiết, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Sau hơn 3 tháng kể từ khi cơn bão Yagi đổ bộ vào đất liền, những dấu hiệu hồi sinh đã xuất hiện trên khắp những thôn làng, những vùng đất tang thương”- ông Lê Trọng Đảm nhấn mạnh.
Báo cáo tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Cây lương thực, cây thực phẩm, Cục Trồng trọt nêu rõ, theo báo cáo tổng hợp của các tỉnh phía Bắc, diện tích lúa bị ngập úng, ảnh hưởng khoảng 285 nghìn ha, diện tích hoa màu bị ngập úng, ảnh hưởng khoảng 61 nghìn ha và diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp bị ảnh hưởng khoảng 115 nghìn ha. Do đó, để nhanh chóng khôi phục sản xuất cho bà con, Cục đã chủ động theo dõi sát sao khung thời vụ và diễn biến thời tiết thực tế, từ đó điều chỉnh cơ cấu cây trồng sao cho phù hợp. Cụ thể, tập trung vào phát triển các loại cây vụ đông ưa lạnh, có khả năng bảo quản lâu dài và có thị trường tiêu thụ ổn định. Ngoài linh hoạt trong các phương thức làm đất, gieo trồng, chúng tôi đặc biệt chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, giúp giảm thiểu chi phí đầu vào, tiết kiệm thời gian và lao động. Công tác phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng vụ đông và kiểm soát nguồn vật tư nông nghiệp cũng được triển khai mạnh mẽ. Tới đây, Cục trồng trọt tiếp tục theo dõi sát sao tình hình thời tiết và thành lập các đoàn công tác đến tận địa phương để kiểm tra và hỗ trợ kịp thời, giúp bà con ổn định sản xuất và đạt hiệu quả cao nhất.
Các đại biểu chủ trì Diễn đàn (Ảnh: PV) |
Đề xuất giải pháp về thủy hải sản, ông Lê Quang Hưng, Chuyên viên Phòng Nuôi trồng Thủy sản, Cục Thủy sản khẳng định, một số người nuôi thủy sản ngoài miền Bắc được khuyến cáo chọn đối tượng nuôi phù hợp khí hậu, địa hình. Các doanh nghiệp được đề nghị có các biện pháp hỗ trợ cụ thể như giảm giá con giống, thức ăn… Với giải pháp lâu dài, đại diện Cục Thủy sản đưa ra các giải pháp: Thống kê thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản (NTTS), hỗ trợ kịp thời cho người dân theo quy định. Làm việc với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để khoanh nợ, giãn nợ và bổ sung gói vay mới để khôi phục sản xuất cho người dân. Huy động nguồn lực, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng NTTS, đáp ứng điều kiện NTTS và phòng chống thiên tai, tổ chức vệ sinh môi trường vùng nuôi bị ngập, lụt sau thiên tai. Rà soát, dự kiến nhu cầu con giống thủy sản, thức ăn, chất xử lý môi trường NTTS để sớm phục hồi sản xuất. Kết nối với các nhà cung cấp để hỗ trợ người nuôi về vật tư phục vụ sản xuất. Rà soát các vùng nuôi tiềm năng để đầu tư, phát triển nuôi trồng thủy sản đảm bảo kế hoạch tăng trưởng của ngành, tăng khả năng chống chịu đối với các sự cố thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cục Thủy sản cũng đề xuất Chính phủ có chính sách giãn nợ với người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản, bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp do bão Yagi.
Phân tích về giải pháp giúp công tác phòng, chống thiên tai chủ động, hiệu quả, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai chia sẻ, các dự báo càng chính xác thì việc tổ chức phòng chống càng hiệu quả. Cho nên, ngoài dữ liệu của các cơ quan trong nước, Cục tham khảo dự báo của các nước bạn. Bên cạnh đó, tăng thời lượng phát trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức dễ nhớ, dễ tiếp cận để đông đảo người dân dễ dàng tiếp nhận, chủ động ứng phó.
Trong khi đó, theo ông Trần Trọng Tùng, Phó Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế, Cục Chăn nuôi, nên cấp các gói hỗ trợ tài chính hoặc khoản vay ưu đãi cho hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng nhằm khắc phục thiệt hại nhanh chóng. Hỗ trợ bằng hiện vật như thức ăn, con giống, thiết bị sửa chữa cơ sở hạ tầng chăn nuôi bị hư hỏng. Bên cạnh đó, miễn giảm lãi suất hoặc gia hạn nợ cho các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng, tạo điều kiện để phục hồi sản xuất. Đầu tư ngân sách để hỗ trợ xây dựng lại chuồng trại, cơ sở chế biến và hạ tầng kỹ thuật trong các khu vực bị thiệt hại. Khôi phục và cải tạo hệ thống giao thông nông thôn, điện, nước để đảm bảo điều kiện sản xuất. Đồng thời, cấp bổ sung các nguồn lực để tiêm phòng, kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát trong điều kiện hậu bão, khi môi trường dễ bị ô nhiễm, dịch bệnh có thể lây lan nhanh chóng. Đặc biệt, đề nghị cung cấp các chương trình đào tạo ngắn hạn cho nông dân về kỹ thuật tái sản xuất, quản lý rủi ro sau thiên tai và nâng cao năng suất trong điều kiện khó khăn. Song song là cử chuyên gia nông nghiệp hỗ trợ trực tiếp tại địa phương để khôi phục đàn gia súc, gia cầm và tối ưu hóa chuỗi cung ứng thức ăn. Ngoài ra, đề xuất các chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, nhất là đối với những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu, giá cả giảm mạnh. Đáng chú ý là cần xây dựng và mở rộng các chương trình bảo hiểm nông nghiệp, giúp các hộ chăn nuôi giảm bớt gánh nặng tài chính khi đối mặt với rủi ro thiên tai.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại Diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Sang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Yên Bái nhấn mạnh về tinh thần tự lực, tự cường của người dân trong khắc phục hậu quả bão lũ. Theo ông Sang, Yên Bái là địa phương có hoàn lưu sau bão nghiêm trọng, dẫn đến mưa lớn và sạt lở đất, khiến 27.000 ngôi nhà thiệt hại, 3.000 vị trí có nguy cơ sạt lở và ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 5.000 hộ dân. Sau bão, tỉnh sắp xếp ổn định cuộc sống người dân bị ảnh hưởng trực tiếp, ưu tiên với hình thức xen ghép và tại chỗ. Tại địa điểm sạt lở, với những khu vực tương đối an toàn, tỉnh khuyến cáo người dân gia cố mái. Với những hộ không thể sắp xếp tại chỗ, tỉnh đã đề xuất xây dựng 12 khi tái định cư, để bố trí cho gần 800 hộ dân, với mức kinh phí trên 300 tỷ đồng, dự kiến triển khai ngay trong năm 2025.
Dịp này, ông Lã Tuấn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình (Yên Bái) bày tỏ mong các cơ quan Trung ương và tỉnh Yên Bái sẽ sớm xây dựng và triển khai bản đồ phòng, chống thiên tai, cảnh báo kịp thời để bà con có thể chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, khẩn trương bố trí lại hệ thống giao thông để đảm bảo đưa máy móc, phương tiện cứu trợ vào các khu vực có nguy cơ sạt lở và bổ sung các biển cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm. Đặc biệt, khi Nhà máy Thủy điện Thác Bà 2 đi vào hoạt động, cần có quy trình điều tiết lũ hợp lý và hệ thống dự báo sớm, tránh tình trạng xả lũ với lưu lượng quá lớn, gây ngập úng và thiệt hại cho bà con trong khu vực.
Bà Nguyễn Thị Thúy Ái, Trưởng Phòng Thông tin, truyền thông, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai chia sẻ: Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN Quản lý thiên tai năm 2024 đã lấy chủ đề là “Trao quyền cho thế hệ trẻ vì một tương lai an toàn trước thiên tai”. Đây là vấn đề được đánh giá là hết sức cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Việc trang bị cho thế hệ trẻ những kỹ năng cần thiết để có thể tự bảo vệ bản thân mình khi có thiên tai sẽ là sự đảm bảo cho tương lai của Trái đất. “Đáng mừng là ở Việt Nam trong những năm gần đây, hoạt động này được đẩy mạnh; thế hệ trẻ được trang bị đầy đủ kỹ năng liên quan tới vấn đề này” – bà Ái nói./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/dien-dan-kinh-nghiem-phuc-hoi-sau-thien-tai-687265.html