Tỷ giá trung tâm giảm 17 đồng, chỉ số VN-Index tăng 9,51 điểm hay Ngân hàng UOB vừa đưa ra dự báo tăng trưởng GDP quý I/2024 của Việt Nam ở mức 5,5%… là một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong ngày 12/3.
Điểm lại thông tin kinh tế tuần 4-8/3 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 11/3 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 12/3, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.955 VND/USD, giảm mạnh tiếp 17 đồng so với phiên đầu tuần.
Giá mua USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 25.102 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 24.648 VND/USD, giảm nhẹ 2 đồng so với phiên 11/3.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do giảm 20 đồng ở chiều mua vào và 100 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 25.480 VND/USD và 25.600 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 12/3, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng mạnh 0,12 – 0,70 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: qua đêm 1,50%; 1 tuần 1,68%; 2 tuần 1,80% và 1 tháng 2,18%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,01 – 0,02 điểm phần trăm ở các kỳ hạn qua đêm và 2 tuần trong khi không thay đổi ở các kỳ hạn 1 tuần và 1 tháng, giao dịch tại: qua đêm 5,21%; 1 tuần 5,29%; 2 tuần 5,38%, 1 tháng 5,40%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng ở tất cả các kỳ hạn, chốt phiên ở mức: 3 năm 1,38%; 5 năm 1,60%; 7 năm 1,99%; 10 năm 2,50%; 15 năm 2,70%.
Nghiệp vụ thị trường mở hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 3.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất vẫn giữ ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 14.999,7 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất 1,4%.
Như vậy, NHNN hút ròng 14.999,7 tỷ đồng từ thị trường trong phiên hôm qua, khối lượng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường tăng lên mức 29.999,5 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán có phiên giao dịch cầm chừng, các chỉ số chính giằng co quanh mốc tham chiếu với khối lượng giao dịch thấp. Chốt phiên, VN-Index tăng 9,51 điểm (+0,77%) đạt mức 1.245,0 điểm; HNX-Index thêm 0,19 điểm (+0,08%) lên 234,03 điểm; UPCoM-Index nhích 0,11 điểm (+0,12%) lên 90,77 điểm. Thanh khoản thị trường tiếp tục giảm so với phiên trước đó với giá trị giao dịch đạt trên 22.800 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng gần 437 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Ngân hàng UOB, Singapore, vừa đưa ra dự báo tăng trưởng GDP quý I/2024 của Việt Nam ở mức 5,5%, cao hơn so với mức tăng 3,3% của cùng kỳ năm 2023, đồng thời duy trì dự báo tăng trưởng của Việt Nam cho năm 2024 ở mức 6,0%, nằm trong mục tiêu chính thức là 6,0-6,5%. Ngân hàng này dự đoán áp lực lạm phát sẽ tiếp tục tăng, với dự báo CPI toàn phần sẽ tăng lên mức 3,8% vào năm 2024, từ mức 3,25% vào năm 2023. UOB cho rằng VND có khả năng phục hồi nhẹ, dự báo USD/VND sẽ ở mức 24.400 đồng/USD trong quý II năm nay, sau đó sẽ lùi xuống mức 24.200 đồng/USD trong quý III và về mức 24.000 đồng/USD trong quý IV/2024.
Tin quốc tế
Nước Mỹ đón các chỉ báo liên quan đến lạm phát tháng Hai. Văn phòng Thống kê Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần và CPI lõi tại Mỹ cùng tăng 0,4% so với tháng trước trong tháng Hai, sau khi lần lượt tăng 0,3% và 0,4% ở tháng trước đó, gần khớp với dự báo tăng 0,4% và 0,3% của các chuyên gia.
Như vậy, so với cùng kỳ năm 2023, CPI toàn phần tại quốc gia này tăng khoảng 3,2% trong tháng vừa qua, trái với dự báo đi ngang so với tháng trước đó ở mức 3,1%. Các con số chi tiết cho thấy giá năng lượng không còn là vấn đề đối với lạm phát khi chỉ số này cho thấy mức giảm 1,9% so với cùng kỳ.
Mặc dù vậy, một số ý kiến cho rằng CPI trong tháng Hai vẫn ở mức cao khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục phải chờ đợi thời điểm thích hợp hơn để giảm lãi suất chính sách. Theo dự báo của CME, có tới 99% khả năng Fed sẽ không tăng lãi suất chính sách trong cuộc họp ngày 20/3, kịch bản chiếm ưu thế vẫn cho thấy đợt cắt giảm đầu tiên sẽ diễn ra trong cuộc họp ngày 12/6.
Thị trường lao động Anh ghi nhận một số chỉ báo quan trọng. Văn phòng Thống kê Anh (ONS) cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại quốc gia này tăng 16,8 nghìn đơn trong tháng Hai sau khi tăng 3,1 nghìn ở tháng trước đó, thấp hơn so với mức 20,3 nghìn theo dự báo. Tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này cũng tăng lên mức 3,9%, trái với dự báo tiếp tục đi ngang ở mức 3,8% như tháng Một. Cuối cùng, thu nhập bình quân tại nước Anh tăng 5,6% trong so với 3 tháng trước trong 3 tháng 12-1-2, giảm tốc nhẹ so với mức tăng 5,8% của 3 tháng 11-12-1 và đồng thời cũng thấp hơn mức tăng 5,7% theo dự báo.