Tỷ giá trung tâm giảm 24 đồng, chỉ số VN-Index giảm 11,86 điểm hay tháng 2/2024, cán cân thương mại hàng hóa tháng 2 thặng dư 1,37 tỷ USD… là một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong ngày 11/3.
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 6/3 Điểm lại thông tin kinh tế tuần 4-8/3 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 11/3, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.972 VND/USD, giảm mạnh 24 đồng so với phiên cuối tuần trước.
Giá mua USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 25.120 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 24.650 VND/USD, giảm 35 đồng so với phiên 8/3.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do tăng mạnh 200 đồng ở chiều mua vào và 320 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 25.500 VND/USD và 25.700 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 11/3, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND đi ngang ở các kỳ hạn qua đêm và 1 tháng trong khi tăng 0,01 – 0,04 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: qua đêm 0,80%; 1 tuần 1,07%; 2 tuần 1,36% và 1 tháng 2,06%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD không thay đổi ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: qua đêm 5,20%; 1 tuần 5,29%; 2 tuần 5,36%, 1 tháng 5,40%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng ở các kỳ hạn 3 năm và 5 năm trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại; chốt phiên ở mức: 3 năm 1,34%; 5 năm 1,56%; 7 năm 1,94%; 10 năm 2,47%; 15 năm 2,68%.
Nghiệp vụ thị trường mở hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 3.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất vẫn giữ ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 14.999,8 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất 1,4%. Như vậy, NHNN hút ròng 14.999,8 tỷ đồng từ thị trường trong phiên hôm qua.
Thị trường chứng khoán có phiên đầu tuần tiêu cực, các chỉ số chính đóng cửa gần mức thấp nhất ngày. Chốt phiên, VN-Index giảm 11,86 điểm (-0,95%) về mức 1.235,49 điểm; HNX-Index mất 2,48 điểm (-1,05%) còn 233,84 điểm; UPCoM-Index rớt 0,57 điểm (-0,63%) xuống 90,66 điểm. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với phiên trước đó với giá trị giao dịch đạt gần 26.300 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng gần 153 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 2/2024, cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư 1,37 tỷ USD, lũy kế 2 tháng đầu năm thặng dư 5 tỷ USD. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 2 đạt 24,67 tỷ USD, giảm 28,5% so với tháng 1; nhập khẩu đạt 23,3 tỷ, giảm 24,6%. Lũy kế từ 1/1 đến 29/2, kim ngạch xuất khẩu đạt 59,21 tỷ USD, tăng 19,0% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch nhập khẩu đạt 54,21 tỷ, tăng 17,1%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm đạt 113,42 tỷ USD, tăng hơn 18% so với 2 tháng 2023.
Tin quốc tế
Văn phòng Chính phủ Nhật Bản công bố GDP nước này chính thức tăng 0,1% so với quý trước trong quý IV/2023, điều chỉnh tích cực hơn so với kết quả giảm 0,1% theo thống kê sơ bộ, tuy nhiên vẫn chưa đạt mức tăng 0,3% theo kỳ vọng. Trong quý III, GDP của Nhật Bản ghi nhận mức giảm 0,5%. Như vậy, với kết quả trên, Nhật Bản tránh được một đợt suy thoái kinh tế kỹ thuật.
Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô GDP thế giới năm 2023 ước đạt khoảng 104,48 nghìn tỷ USD. Năm 2023, quy mô GDP của khu vực Đông Nam Á nói chung theo giá hiện hành sẽ đạt khoảng 3,86 nghìn tỷ USD. Trong đó, Indonesia dẫn đầu khu vực với quy mô GDP ước đạt khoảng 1,42 nghìn tỷ USD. Với quy mô GDP năm 2023 đạt hơn 433,3 tỷ USD, Việt Nam hiện đang là nền kinh tế lớn thứ 35 trên thế giới, xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á.