Trong tháng 5 tới đây, lần đầu tiên tại Việt Nam, “Tài chính thông minh” - một sân chơi giáo dục tài chính dành cho học sinh phổ thông chính thức được ra mắt. Khi biết thông tin này, với vai trò là một phụ huynh, chị Trần Ngọc (Hà Nội) bày tỏ niềm vui và cho rằng đây là một chương trình bổ ích, thiết thực dành cho học sinh. Chị chia sẻ, từ lâu đã rất ngưỡng mộ các bạn trẻ ở nước ngoài vì biết quản lý chi tiêu cá nhân, thậm chí còn biết cách đầu tư. Tuy nhiên, hai con của chị vẫn còn khá lúng túng trong việc sử dụng tiền. Điển hình như vào dịp đầu năm mới, các con thường được mừng tuổi một khoản tiền khá lớn, nhưng lại chưa biết cách sử dụng sao cho hợp lý. Hiện tại đa số các em sẽ gửi bố mẹ giữ hộ và chỉ sử dụng khoản tiền này khi cần mua những món đồ như giày dép, quần áo hay sách vở…
Không chỉ trường hợp con của mình, qua tiếp xúc từ thực tế, chị Ngọc nhận thấy nhiều bạn trẻ hiện nay vẫn thiếu kiến thức về cách quản lý và chi tiêu hợp lý các khoản tiền nhỏ, thường chỉ dành cho sở thích cá nhân thay vì sử dụng hiệu quả hơn. Hiện nay, mỗi năm chị Ngọc đều dành tiền lì xì của các con để mua vàng với mục tiêu tiết kiệm, lưu giữ kỉ niệm tuổi thơ.
Kiến thức tài chính – hàng trang không thể thiếu đối với các em học sinh |
Chia sẻ về sân chơi này, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng bà Lê Thị Thúy Sen cho biết, những cuốn sách tài chính hay những lời giảng dạy từ người lớn đôi khi chưa chạm được đến sự quan tâm của các em nhỏ. Thay vì truyền tải thông điệp bằng ngôn từ khô cứng, nếu được kể lại bằng những ví dụ sinh động, gần gũi với cuộc sống hằng ngày, các bài học tài chính sẽ trở nên gần gũi và hấp dẫn hơn với các em. “Người làm chương trình cần đặt mình vào đôi giày của học sinh, chứ không phải là đôi giày của người lớn”, bà Lê Thị Thúy Sen chia sẻ.
Đồng hành cùng Thời báo Ngân hàng, Tập đoàn FPT sẽ ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra một sân chơi hấp dẫn, sáng tạo, giúp học sinh hứng thú tiếp cận kiến thức tài chính. Bà Sen cũng bày tỏ hy vọng chương trình sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, mỗi bài học sẽ là một nền tảng vững chắc giúp học sinh nâng cao hiểu biết và kỹ năng tài chính.
Bà cho biết, việc làm sao để truyền tải nội dung vừa hấp dẫn, sinh động, dễ tiếp cận nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác là một bài toán không dễ. Nhưng với sự tâm huyết của những người làm chương trình, khi sân chơi chính thức khởi động, sẽ phần nào đáp ứng được kỳ vọng của các bậc cha mẹ trang bị hành trang tài chính vững chắc ngay từ sớm.
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 172/TB-VPCP ngày 11/4/2025 kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện tại Phiên họp lần thứ hai. Trong đó nêu rõ cần chú trọng công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao kiến thức, hiểu biết về tài chính và kỹ năng sử dụng dịch vụ tài chính, quản lý tài chính cá nhân cho người dân. Qua đó, giúp cho người dân thấy được sự tiện ích, an toàn và tự tin khi tham gia sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính chính thức, xây dựng và phát triển chương trình công dân số trên phạm vi cả nước, nhất là đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Mục tiêu hướng đến sự tiếp cận bình đẳng, toàn diện của mọi người dân đối với sản phẩm, dịch vụ tài chính, đặc biệt là đối tượng người yếu thế, người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, học sinh, sinh viên; tận dụng tối đa các công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số; đảm bảm an ninh, an toàn, bảo mật cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại.
Để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ trên, không chỉ tiên phong trong việc phối hợp tổ chức sân chơi giáo dục tài chính, thời gian qua, Thời báo Ngân hàng đã xây dựng chuyên mục về tài chính toàn diện trên ấn phẩm báo in, báo điện tử Thời báo Ngân hàng, trong đó các nội dung về tài chính toàn diện được thể hiện bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn như video, infographic, đồ hoạ…; tiếp tục cùng VTV sản xuất chương trình “Tay hòm chìa khoá”. Đây là chương trình truyền hình nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả, được đông đảo các tầng lớp công chúng đã đánh giá cao.
“Những giải pháp này nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng tài chính cho thế hệ trẻ không chỉ giúp họ chủ động hơn trong quản lý tài chính cá nhân mà còn góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy sự phát triển bền vững của quốc gia. ”, Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng khẳng định.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/kien-thuc-tai-chinh-hanh-trang-khong-the-thieu-trong-hoc-duong-162731.html
Bình luận (0)