Ngã ba Đông Dương nằm tại địa phận của xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, là vị trí tiếp giáp của ba nước Đông Dương gồm Việt Nam, Lào và Campuchia.
Cột mốc biên giới Việt Nam – Campuchia – Lào nằm ở ngã ba Đông Dương. |
Là một điểm tiếp giáp giữa ba nước Đông Dương, bao gồm Việt Nam, Campuchia và Lào, ngã ba Đông Dương vốn được mệnh danh là nơi mà “một con gà gáy ba nước đều nghe”. Có lẽ chính vì điều này mà ngã ba Đông Dương đã trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều du khách đam mê du lịch, khám phá và trải nghiệm những điều mới mẻ.
Nói đến Tây Nguyên, chắc hẳn người ta sẽ nhớ ngay về một vùng cao nguyên đầy nắng gió tràn ngập trong hương hoa cà phê, hay nhớ về tiếng cồng chiêng trầm hùng vang lên vào mỗi dịp lễ hội của buôn làng trên đại ngàn. Không chỉ có vậy, mảnh đất Tây Nguyên còn có một điểm đến mà cộng đồng ưa xê dịch rất khao khát được chinh phục, đó chính là ngã ba Đông Dương – một điểm tham quan trong chuyến du lịch Kon Tum được nhiều du khách yêu thích.
Ngã ba Đông Dương nằm tại địa phận của xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Sở dĩ được gọi là ngã ba Đông Dương bởi nơi đây là vị trí tiếp giáp của ba nước Đông Dương gồm Việt Nam, Lào và Campuchia. Tại đây đã xây dựng một cột mốc chung giữa ba nước nằm trên ngọn đồi cao 1.086m so với mực nước biển. Vị trí cột mốc là điểm tiếp giáp thuộc 3 tỉnh: Kon Tum (Việt Nam), Ratanakiri (Campuchia) và Attapư (Lào).
Cột mốc này do tỉnh Kon Tum tổ chức thi công xây dựng tháng 12/2007 và hoàn thành vào đầu năm 2008, dưới sự giám sát của chuyên gia ba nước có chung đường biên giới. Cột mốc đặc biệt nặng 900 kg, làm bằng đá hoa cương hình trụ tam giác, cao 2 mét, trên mỗi mặt cột mốc quay về mỗi nước được gắn quốc huy trang trọng, năm cắm mốc và tên quốc gia đó bằng chữ màu đỏ của chính nước đó. Mốc ngã ba biên giới là biểu tượng thể hiện rõ nét ý chí, nguyện vọng và quyết tâm của Chính phủ và nhân dân ba nước trong thiện chí hợp tác giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ, là minh chứng thể hiện sự tin cậy, hiểu biết, và tinh thần hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam, Campuchia và Lào.
Đường đi đến ngã ba Đông Dương không quá khó, vừa chạy xe, du khách vừa có thể thỏa sức ngắm nhìn khung cảnh núi non trùng điệp hiện ra ngay trước mắt. Tiếp sau đó, du khách sẽ leo qua những bậc thang để có thể chạm được đến hình ảnh thiêng liêng nhất của vùng biên giới Tổ quốc.
Đường lên cột mốc biên giới Việt Nam – Campuchia – Lào. |
Nằm ở vùng giao thoa giữa khí hậu cao nguyên và khí hậu nhiệt đới gió mùa, Kon Tum hiện có 2 mùa rõ rệt đó là mùa mưa và màu khô. Nhiều du khách sẽ lựa chọn du lịch Kon Tum vào khoảng thời gian từ tháng 10 – 11 âm lịch khi mà ruộng nương nơi đây đã bước vào mùa thu hoạch. Lúc này, đứng từ cột mốc biên giới trên cao, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ vùng ngã ba Đông Dương trù phú, xanh tươi ngút ngàn. Đây có lẽ sẽ là khung cảnh bình yên nhất mà bất cứ du khách nào cũng muốn được chiêm ngưỡng.
Ngoài ra, nhiều du khách lựa chọn khám phá ngã ba Đông Dương vào tháng 12 bởi lúc này du khách sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng những sườn đồi hoa dã quỳ bung nở vàng rực cả một góc trời. Ngoài ra, du khách còn được tham gia và trải nghiệm những hoạt động lễ hội vô cùng đặc sắc tại đây vào những dịp cuối năm.
Ngoài ngã ba Đông Dương, đến với vùng đất này du khách còn được trải nghiệm, tham quan Di tích lịch sử Chiến thắng Plei Kần (xếp hạng cấp quốc gia), tham quan khu căn cứ Bến Hét năm xưa; Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn và Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y…
Cùng với đó, du khách còn được tham quan, trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc huyện Ngọc Hồi. Nơi đây có 17 dân tộc anh em cùng sinh sống với những nét văn hóa đặc sắc của từng dân tộc được bảo tồn, phát huy.
Đó là các nhà sàn được gìn giữ qua nhiều thế hệ, các lễ hội rất đặc trưng, độc đáo được tổ chức vào các dịp lễ của làng, như lễ hội mừng nhà rông mới, lễ hội đâm trâu của bà con dân tộc Giẻ – Triêng, lễ hội mừng lúa vào kho của bà con dân tộc Brâu…
Đó còn là nét văn hóa ẩm thực với thịt nướng, cơm lam, ngất ngây cùng men rượu cần thơm ngây ngất khó quên và hòa nhịp với điệu múa, nhịp xoang cồng chiêng cùng các chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống bên ngọn lửa bập bùng rực sáng lung linh…