Địa phương sẽ hỗ trợ kinh phí cho các nhà trường khi triển khai Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm

Báo Công an Nhân dânBáo Công an Nhân dân11/02/2025


Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT quy định về việc dạy thêm học thêm đang nhận được sự chú ý từ dư luận xã hội, đặc biệt là giáo viên, học sinh cả nước. Bên cạnh những đánh giá tích cực, những ngày qua cũng có không ít ý kiến bày tỏ sự lúng túng trong quá trình thực hiện các quy định mới, đặc biệt là việc nhà trường sẽ lấy kinh phí từ đâu để chi trả cho giáo viên khi tham gia dạy thêm miễn phí cho 3 nhóm đối tượng học sinh trong nhà trường.

Trao đổi về nội dung này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Quá trình thực hiện Thông tư, việc “hiểu, làm đúng trách nhiệm của các bên” là yếu tố quyết định để Thông tư 29 thực sự đi vào cuộc sống.

Địa phương sẽ hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các nhà trường khi triển khai Thông tư 29 -0
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng.

Về phía Bộ GD&ĐT sau khi ban hành Thông tư 29 và sau Công điện của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/2/2025 về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, Bộ sẽ tiếp tục có các văn bản đôn đốc, chỉ đạo tiếp theo để các Sở GD&ĐT tham mưu và ban hành các hướng dẫn thực hiện tại địa phương.

Về phía UBND các tỉnh, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, cần chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, tổ chức các hội nghị triển khai chuyên đề để phổ biến, hướng dẫn đến các đối tượng liên quan để thống nhất trong tổ chức triển khai thực hiện đúng các quy định. Bên cạnh đó, các địa phương cần triển khai thực hiện hiệu quả trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 7/2 về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm thuộc thẩm quyền trách nhiệm của UBND tỉnh/Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định, kịp thời phát hiện, tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương của tập thể, cá nhân tận tụy, tâm huyết, hết lòng vì học sinh. Đặc biệt, các địa phương cũng có nhiệm vụ hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các nhà trường để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

"Chúng tôi được biết hiện nhiều Sở GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn thực hiện Thông tư 29 và đã tham mưu cho địa phương ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp cho phát triển giáo dục và đào tạo. Đề nghị các Sở GD&ĐT tiếp tục quan tâm và sớm ban hành hướng dẫn, tham mưu phù hợp với địa phương", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ.

Đối với các nhà trường và thầy cô, theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, trách nhiệm chung là dạy học để học sinh hình thành phẩm chất, năng lực, đáp ứng chuẩn đầu ra, việc ra đề kiểm tra, đánh giá cũng đảm bảo đúng, đủ với những yêu cầu cần đạt của chương trình. Với những học sinh thực sự còn đang yếu kém, còn đang lúng túng chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT thì trách nhiệm của nhà trường, giáo viên là bổ trợ cho các em. Khi nhà trường, thầy cô xác định được trách nhiệm như vậy những vấn đề khác sẽ không còn nặng nề.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng nhấn mạnh: Dạy thêm, học thêm ngoài những đổi mới về quản lý còn cần sự thay đổi trong nhận thức của cả xã hội với vấn đề này. Do vậy cần nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý việc dạy thêm, học thêm hiệu quả.

Bên cạnh các giải pháp hành chính, theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng các nhà trường cũng cần tăng cường các giải pháp chuyên môn như: Nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy của giáo viên, trách nhiệm của nhà giáo, phát huy năng lực tự học của học sinh và đổi mới kiểm tra đánh giá. Trong đó, việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đánh giá cuối kỳ, thi tuyển sinh phải phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018; không đánh đố, không ra ngoài nội dung chương trình để đảm bảo học sinh học theo đúng chương trình, không cần học thêm vẫn sẽ vượt qua các kì kiểm tra, tuyển sinh; tăng cường liên thông giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, cụ thể như trong các bài kiểm tra năng lực đầu vào đại học sử dụng kiến thức phổ thông, không đánh đố...

Ngoài ra, các trường cũng cần tăng cường cơ sở vật chất, đủ trường học để đảm bảo công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh; tăng số trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày; có thêm những chính sách phù hợp nhằm đảm bảo đời sống để nhà giáo yên tâm công tác. 



Nguồn: https://cand.com.vn/giao-duc/dia-phuong-se-ho-tro-kinh-phi-cho-cac-nha-truong-khi-trien-khai-thong-tu-29-ve-day-them-hoc-them-i758777/

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available