Giữa bối cảnh TPHCM đề nghị UNESCO công nhận địa đạo Củ Chi là di sản thế giới, những năm gần đây, địa danh này đã trở thành điểm đến đặc biệt thu hút khách nước ngoài tới tìm hiểu, trải nghiệm.
Một trong những địa danh được nhiều khách nước ngoài lựa chọn khi đến Việt Nam du lịch phải kể tới địa đạo Củ Chi. Trên các nền tảng mạng xã hội, khi tìm kiếm từ khóa “Cu Chi tunnels”, người xem có thể tìm thấy rất nhiều video trải nghiệm được khách Tây ghi lại.
Nhiều người bày tỏ sự thích thú khi được tận mắt chứng kiến đường hầm bí mật và cách “chui vào lòng đất” như quân dân Củ Chi ngày xưa từng sinh hoạt và chiến đấu.
Một nữ du khách trải nghiệm trong đường hầm ở địa đạo (Ảnh: Jessiecarr). |
Video của một vị khách tên Joe Hattab đến từ Tây Ban Nha có độ dài chưa tới 1 phút nhưng thu hút hơn 40 triệu lượt xem cùng hơn 2,2 triệu lượt thích, được xem là một trong những video truyền cảm hứng khiến khách nước ngoài muốn tới Củ Chi tìm hiểu lịch sử và trải nghiệm.
Joe cho biết, anh vốn là một nhà làm phim du lịch độc lập. Sau khi nghỉ công việc kế toán ở Saudi Arabia vào năm 2016, anh quyết định đi du lịch vòng quanh thế giới để tạo những thước phim du lịch ngắn.
Việt Nam là một trong những điểm dừng chân của vị khách người Tây Ban Nha. Nhờ mạng xã hội, Joe biết tới địa đạo Củ Chi nên sự tò mò đã thôi thúc anh trải nghiệm.
“Tôi bất ngờ và rất ấn tượng với nơi này”, Joe nhận xét.
Khách Peru thử cảm giác chui hầm bí mật ở địa đạo Củ Chi (Nguồn video: Patoparodi18). |
Cũng giống như Joe, sau khi tới TPHCM, anh Luciana Fuster (du khách người Peru) đặt luôn tour tới khám phá vùng đất Củ Chi. Tại đây, Luciana được hướng dẫn cách đi hầm bí mật. Với vóc dáng cao to vạm vỡ, vị khách Peru có phần khó khăn để “chui lọt” đường hầm tại địa đạo. Tuy vậy, anh vẫn rất hào hứng.
“Đây là một trong những trải nghiệm độc đáo nhất mà tôi từng thử qua. Mỗi ngày lại có thêm những điều mới để học hỏi từ các nền văn hóa khác nhau”, anh chia sẻ.
Trước kia, địa đạo Củ Chi là căn cứ kháng chiến, có hệ thống phòng thủ kiên cố nằm sâu trong lòng đất. Được mệnh danh là “thành phố dưới đất”, địa đạo Củ Chi không chỉ sở hữu hệ thống đường hầm, còn có nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, bệnh xá với đường thông hơi ra các bụi cây trong rừng.
Trên một ứng dụng bán tour trải nghiệm, địa đạo Củ Chi được mô tả là “điểm đến lý tưởng cho những ai chán cảnh xô bồ ở thành thị, muốn tìm hiểu chiến tích lịch sử hào hùng thời chống Mỹ cứu nước cũng như cuộc sống người dân miền đất Củ Chi”.
Được biết, tour tới Địa đạo Củ Chi hiện là một trong những tour được nhiều khách quốc tế quan tâm.
Theo tìm hiểu, khách nước ngoài có thể lựa chọn tour Củ Chi nửa ngày để tham quan địa đạo. Tour thường khởi hành lúc 7h30 hoặc 13h từ TPHCM. Điểm đón là các đường trung tâm quận 1. Giá tour từ 419.000 đồng/khách.
Với gói tour này, du khách được đón tận nơi, được cung cấp nước và khăn lạnh, có hướng dẫn viên tiếng Anh đi cùng để giới thiệu. Du khách có cơ hội tìm hiểu sâu về lịch sử Việt Nam qua các di tích chiến tranh, trải nghiệm vẻ bình yên vùng nông thôn trên đường tới Củ Chi.
Khi được phóng viên Dân trí hỏi về tiềm năng tour địa đạo Củ Chi với khách nước ngoài, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Phòng Tiếp thị – Truyền thông Công ty lữ hành Vietluxtour, đánh giá đây là một trong những điểm nhấn đặc biệt trong các sản phẩm du lịch của thành phố, hầu như đều có trong chương trình tham quan của du khách khi đến TPHCM.
“Các đoàn khách quốc tế và cả nội địa đều có phản hồi tích cực về điểm đến này. Nhiều khách nước ngoài bày tỏ sự thán phục, ngạc nhiên trước tinh thần chiến đầu dũng cảm và mưu trí của dân tộc Việt Nam, đồng thời mong muốn điểm đến được bảo tồn, quảng bá tốt để các thế hệ sau có cơ hội được tới thăm, trải nghiệm”, bà Thu nói.
Du khách nhí ở địa đạo Củ Chi (Ảnh: Cuchitunnelstours). |
Theo tìm hiểu, lượng khách nước ngoài tới địa đạo Củ Chi đa phần khách châu Âu, Australia chiếm số lượng lớn. Ở thị trường nội địa, du khách đến từ các tỉnh thành đạt lượng tham quan đông nhất. Đặc biệt, nhiều trường có chương trình tham quan ngoại khóa đưa học sinh, sinh viên tới đây để các em tìm hiểu lịch sử.
Cũng theo bà Thu, địa đạo Củ Chi không đơn thuần là điểm tham quan di tích lịch sử mà còn là công trình văn hóa phi vật thể rất độc đáo của Việt Nam, xứng đáng trở thành di sản thế giới và được nhiều khách quốc tế biết tới hơn.
“Bởi vậy, công tác bảo tồn, quảng bá điểm đến này đặc biệt quan trọng. Trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, hình ảnh và tinh thần hào hùng của vùng đất thép Củ Chi nói riêng và Việt Nam nói chung càng nhiều cơ hội lan tỏa.
Các đơn vị lữ hành rất mong muốn chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nên đầu tư hơn cho công tác quảng bá điểm đến này. Ngoài ra, chúng ta cần đầu tư cơ sở hạ tầng lưu trú đa dạng kết hợp tour khám phá văn hóa, ẩm thực địa phương”, bà Thu nêu ý kiến.
Địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi, cách trung tâm TPHCM chừng 70km về hướng Tây Bắc.
Lịch sử địa đạo Củ Chi gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1946-1948. Công trình được quân và dân các xã xây dựng để ẩn nấp, cất giấu vũ khí, quân tư trang.
Hệ thống đường hầm nằm sâu dưới lòng đất từ 3m đến 12m, gồm 12 tầng, dài hơn 200km, chịu được sức công phá của nhiều loại bom hạng nặng.
Trong giai đoạn năm 1961-1965, công trình được phát triển thành nhiều nhánh thông với nhau. Phía trên công trình còn được trang bị nhiều hố đinh, bãi mìn, phục vụ cho cuộc chiến đấu của quân và dân ta.
Sau chiến tranh, địa đạo Củ Chi đã trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia.
Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM vừa có tờ trình gửi UBND thành phố về việc giải trình UNESCO, đưa Địa đạo này vào danh mục dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới.
Theo Dân Trí