Anh Hưng, giám đốc dịch vụ một công ty xe hơi tại Quảng Ninh, quan niệm giáo dục trẻ con cần thông qua những công việc thực tế hàng ngày, để trẻ có thể học về tinh thần lao động và sớm tự lập, có thêm nhiều kỹ năng sống.
“Ngày xưa, khi bằng tuổi con trai tôi bây giờ, tôi đã ngày ngày đi bộ đến trường, lúc nghỉ học thì đi chợ cho mẹ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa… Bọn trẻ bây giờ quá sung sướng, đi học cũng có người đón đưa, đi học về chỉ việc ăn cơm, làm bài tập, xem tivi, có cháu thậm chí không biết cái chổi của nhà để ở đâu chứ chưa nói chuyện quét nhà”, anh Hưng nêu lý do về việc sớm đi “xin việc” cho con ngày hè.
Không ép con phải làm việc, không bắt con làm những việc nặng nhọc, anh Hưng trao đổi trước với công ty về nhiệm vụ của con trai. Đồng thời, anh còn dành thời gian nói chuyện với con như hai người đàn ông trước khi con trai chính thức “đi làm”. Anh nêu lý do, mục tiêu của việc đi làm trong mùa hè, nội quy của công ty và một phần thưởng nhỏ sau khi con trai hoàn thành nhiệm vụ trong 2 tháng hè, chuẩn bị bước vào năm học mới.
“Cháu rất vui vẻ đi làm cùng bố. Mỗi sáng hai bố con lên xe, chuyện trò đủ thứ trên đường đi làm. Tới công ty, cháu rất nghiêm túc, các cô ở nhà bếp hướng dẫn cháu các việc như nhặt rau, vo gạo, lau bát đũa, quét nhà… Sau một tuần, công việc đã rất trôi chảy. Bữa cơm trưa, cháu cũng ngồi ăn suất cơm của mình như mọi người ở công ty và đánh một giấc ngủ trưa no nê trên giường tầng. Chiều tối, hai bố con lại đi về, cháu líu lo kể chuyện hôm nay trong nhà bếp ra sao, cháu đã học được thêm điều gì mới”, anh Hưng kể.
Mùa hè dần trôi đi được vài tuần. Sau mấy tuần lễ “đi làm” cùng bố, con trai không còn ngồi lỳ một chỗ khi vừa ăn cơm xong với gia đình, cậu nhóc 9 tuổi đã biết đứng dậy xếp bàn ghế cho mẹ, quét nhà giúp bà cho sạch, học xong đã biết sắp xếp sách vở, bàn ghế, dọn phòng riêng của mình cho gọn gàng.
Nhưng đó chưa phải là tất cả những điều anh Hưng cảm thấy con trai mình đã lớn khôn hơn một chút. “Điều xúc động nhất đó là một lần cháu ngồi tâm sự với bà nội. Cháu nói “bà ơi các cô ở nhà bếp nấu ăn rất vất vả nhưng có lần cháu thấy mấy chú công nhân chê cơm không ngon. Con thương các cô nhà bếp…”.
Đi “xin việc” cho con trong dịp nghỉ hè không phải là một cách làm hiếm của những cha mẹ hiện đại trong việc nuôi dạy con. Mới đây Báo Thanh Niên cũng đăng tải câu chuyện một người mẹ gợi ý cho con gái 9 tuổi viết thư xin việc gửi tới chủ một tiệm bún rạm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM. Người mẹ và cả cô chủ tiệm cùng đồng ý, để mong từ việc lau bàn, mở cửa cho khách, bưng đồ ăn, đồ uống… bé gái học được tinh thần lao động, biết trân quý sức lao động, biết được sự vất vả của người đi làm để kiếm ra được đồng tiền.
Việc “đi làm” ở đây không hoàn toàn không có nghĩa là bắt trẻ em lao động cực khổ, bóc lột sức lao động của trẻ vị thành niên. Đó là một cách để trẻ – dưới sự cho phép, giám sát, giúp đỡ của người lớn cùng tham gia vào những công việc phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe của trẻ, để từ đây cho trẻ thêm những kiến thức, kỹ năng sống.
Giáo dục kỹ năng sống các năm qua đã trở thành hoạt động trong nhà trường. Nhiều nơi, từ bậc mầm non đã cho trẻ cùng trải nghiệm các hoạt động làm bánh, pha nước tắc, lớn hơn một chút thì bé cùng làm kem, trộn salad, học cách dùng đồ dùng nhà bếp an toàn. Nói như một thầy hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.3, TP.HCM, giáo dục kỹ năng sống chưa nói những gì đao to búa lớn, ít nhất là để một học sinh lớp 3, lớp 4 có thể nấu một tô mì, chiên một cái trứng, cắm một nồi cơm điện an toàn, ăn cho no bụng khi cha mẹ vẫn còn đang bận việc, chưa thể về nhà.
Và để con học kỹ năng sống trên trường thôi chưa đủ, hơn 2 tháng hè, với những kế hoạch “xin việc” cho con của nhiều cha mẹ, các học sinh đang được học kỹ năng sống ở gia đình của mình, cùng những người thầy tuyệt vời nhất là cha, mẹ, ông bà, những người thân ở bên cạnh các con…