Vượt đường lở, lũ dâng mỗi ngày
Anh Nguyễn Văn An (ở Hà Giang) hằng ngày vẫn vào khu vực thành phố làm việc với quãng đường 30km/lượt. Công việc này anh đã gắn bó 2 năm, cho thu nhập đều đặn.
“Tôi làm nhân viên văn phòng, công việc không quá vất vả. Nhưng để gắn bó với công việc này, tôi chấp nhận việc phải đi lại xa xôi”, anh An chia sẻ.
Với người lao động này, có việc làm cho thu nhập ổn định là trên hết. Những khó khăn khác có thể thích nghi và khắc phục dần.
Làm nhân viên văn phòng cho thu nhập gần 5 triệu/tháng, anh An kể, so với mặt bằng chung khu vực, đây không phải là mức lương thấp. Hằng ngày, nếu không đi nhờ ô tô của đồng nghiệp, anh tự chạy xe máy đi làm.
Hành trình đi “phượt” mỗi ngày, anh sợ nhất những hôm trời mưa. Bởi đường đi ở Hà Giang có những đặc thù riêng, mưa nhiều thường kéo theo chuyện đường bị sạt lở.
“Thông thường khi di chuyển mà có người đi trước thông báo là nước sông lên, những người chưa qua sẽ không đi nữa hoặc phải chuẩn bị đồ đạc để chèo mảng sang bên kia bờ”, anh An chia sẻ.
Theo anh An, tìm kiếm một công việc phù hợp tại địa phương không phải dễ dàng. Vì vậy, dù đường đi làm trở ngại, anh vẫn trân trọng và gắn bó với công việc.
Không chỉ là tiền lương
Bạn bè trong công ty mà chị Nguyễn Thị Quyên (ở Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) vẫn tếu táo gọi chị là “phượt thủ” chốn công sở. 2 năm nay, mỗi ngày chị đều đặn di chuyển 20km/lượt từ huyện Gia Lâm đến quận Thanh Xuân làm việc.
Khi nghỉ công việc cũ, chị cũng tính đến chuyện tìm một chỗ làm gần nhà để đi lại đỡ vất vả. Song, những công việc ưng ý đều ở trung tâm thành phố, còn việc gần nhà thu nhập không mấy khả quan.
Sau khi phỏng vấn vị trí làm việc, lương, thưởng tại một doanh nghiệp phân phối đồng hồ chính hãng, chị Quyên vô cùng băn khoăn có nên “chốt” việc ở đây vì công sở còn xa hơn chỗ làm cũ. Một ngày phải di chuyển mấy chục cây số, nghĩ thôi đã thấy nản lòng.
Sự hối thúc của hoàn cảnh, chị đã quyết thử sức chịu đựng của mình với môi trường làm việc mới. Rồi chị cũng quen dần với việc di chuyển xa lắc lơ. Hơn nữa, môi trường làm việc không bị gò bó thời gian, đồng nghiệp hòa đồng cũng là một trong những yếu tố giúp chị muốn gắn bó với nơi này.
Ngày nào chị cũng phải dậy thật sớm chuẩn bị bữa sáng cho gia đình, sau đó chuẩn bị tinh thần vượt qua quãng đường xa, nhiều đoạn tắc khốn khổ trên hành trình xuyên tâm thành phố. Mỗi ngày, chị mất tối thiểu 2 tiếng đồng hồ rong ruổi trên đường.
“Những ngày đầu đi làm, tôi phải hít thở thật sâu mới dám dắt xe máy ra khỏi nhà, bắt đầu hành trình chạy xe luồn lách, lấp đầy vào những khoảng trống ít ỏi trên đường. Ngày nào tôi cũng phải đi qua nhiều đoạn đường ùn tắc kéo dài”, chị Quyên kể.
Đi làm xa, thời tiết thất thường là nỗi sợ lớn nhất của chị. Những ngày mùa đông giá rét thì cả người nặng nề với khăn áo, găng tay… Nhưng việc đó vẫn chưa cực bằng những ngày nắng nóng hay mưa bão.
Chị Quyên cho biết: “Những hôm mưa nặng hạt, xối xả vào mặt. Lúc đi qua cầu Vĩnh Tuy để sang phía nội đô, gió thốc muốn bay cả xe, tay lái chệch choạc một hồi, rồi vẫn phải cố đi tiếp”.
Có những ngày mưa to, không thể tiếp tục di chuyển, chị phải chờ hàng tiếng đồng hồ dưới chân cầu. Người ướt như chuột lột, một cảm giác khó chịu xâm lấn trong chị. Lúc ấy, chỉ ước rằng đi làm gần cho đỡ vất vả.
Trong cốp xe của chị lúc nào cũng thủ sẵn dép lê, thêm vài bộ quần áo dự phòng ướt, bẩn… khi thời tiết thay đổi thất thường.
“Một ngày tôi mất khá nhiều giờ di chuyển trên đường, vì vậy, thời gian chăm lo gia đình, con cái bị co hẹp. Di chuyển xa trong quãng thời gian dài ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, phát sinh lớn nhất là chứng đau lưng”, chị Quyên than thở.
Song, động lực để chị vượt qua những rào cản việc đi làm xa là có thu nhập trang trải cuộc sống cho gia đình. “Môi trường làm việc thoải mái, không quá gò bó thời gian, đồng nghiệp cực kỳ hòa đồng, gắn bó với nhau, chia sẻ, quan tâm. Đi làm không chỉ có thu nhập mà đi làm còn rất vui”, chị Quyên giải thích.
(Tên nhân vật được thay đổi)