Thời gian qua, ở các tỉnh thành đặc biệt là thành phố lớn tình trạng người đi bộ sang đường không đúng quy định, đi dưới lòng đường diễn ra ngày càng nhiều, đặc biệt tại những tuyến đường có nút giao, ngã tư, ngã ba… qua đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cho người tham gia giao thông.
Có thể bạn chưa biết, cũng giống như người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông khác, người đi bộ không đi đúng phần đường quy định, vượt qua dải phân cách… đều bị cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt.
Cụ thể, người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ hay sang đường không đúng quy định sẽ bị xử phạt từ 60.000 – 100.000 đồng.
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 9 Nghị định số: 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như sau:
Điều 9. Xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
Cụ thể, phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
– Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn;
– Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
– Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;
– Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông;
– Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
Tại Khoản 2, Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định nếu không phải người phục vụ việc quản lý, bảo trì cao tốc mà người đi bộ đi vào đường cao tốc thì sẽ có mức phạt cao nhất đối với hành vi này là 200.000 đồng.
Việc xử phạt người đi bộ đã có trong luật quy định từ lâu. Đặc biệt, pháp luật đã quy định rất rõ về phần đường dành cho người đi bộ cũng như các chế tài xử phạt Theo đó, mỗi người dân cần có ý thức chấp hành để đảm bảo an toàn giao thông cho bản thân và cho mọi người xung quanh khi tham gia giao thông.
An toàn giao thông từ ý thức mỗi người. Tuy nhiên vẫn cần xây dựng văn hóa giao thông từ trường học.
Việc giáo dục, bồi dưỡng kiến thức và xây dựng kỹ năng tham gia giao thông an toàn, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) làm “hành trang” bảo vệ sự an toàn cho học sinh trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày là hết sức cần thiết. Chỉ cần sơ sẩy nhỏ trong tham gia giao thông có thể dẫn đến hậu quả khó lường.
Vào những giờ học sinh đến lớp và tan trường, không khó để bắt gặp hình ảnh những học sinh diện nguyên trên người bộ đồng phục, thản nhiên tham gia giao thông trên những chiếc xe phân khối lớn. Thậm chí, nhiều em còn không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng trên đường. Dù lực lượng chức năng đã nỗ lực xử lý nhưng tình trạng vi phạm chỉ lắng xuống một thời gian rồi lại tiếp tục tái diễn. “
Do vậy, để góp phần giúp học sinh nâng cao ý thức đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời xây dựng văn hóa giao thông từ nhà trường, thời gian qua, nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn TP đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông. Bằng nhiều hình thức khác nhau, hiện có không ít các mô hình tuyên truyền hay, hiệu quả được triển khai, từ đó từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh.
Trúc Chi (t/h)