Ban giám hiệu thành Ban giám đốc UEH
Sáng 18.11, ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thành ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH). Quyết định đã được Thủ tướng Chính Phủ ký vào ngày 4.10 trước đó.
Cũng trong buổi lễ, Bộ GD-ĐT công bố quyết định công nhận Hội đồng ĐH Kinh tế TP.HCM, gồm 23 thành viên, GS-TS Nguyễn Đông Phong được công nhận là Chủ tịch Hội đồng ĐH.
Bên cạnh đó, GS-TS Sử Đình Thành được công nhận là Giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM. UEH còn 3 Phó giám đốc gồm: TS Bùi Quang Hùng, PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, TS Đinh Công Khải.
UEH chính thức trở thành một trong 7 cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam hoạt động theo mô hình “ĐH đa ngành, đa lĩnh vực”, gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TP.HCM.
‘Mô hình đại học là mô hình thích hợp để triển khai cơ cấu đa ngành’
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, đánh giá cao những kết quả UEH đã đạt được trong hành trình 48 năm xây dựng và phát triển.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng: “Chặng đường mới với tên gọi mới ĐH Kinh tế TP.HCM cũng đồng thời đi với những thách thức mới. Đơn vị này còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thiện cơ cấu ĐH nhiều cấp với cấu trúc chặt chẽ của quản trị hiện đại”. Thứ trưởng cho rằng cơ sở giáo dục ĐH cần hoàn thiện chiến lược và định hướng phát triển lâu dài, hiện thực hóa mô hình quản trị đại học hiệu quả, hoàn thiện quy chế tổ chức và hoạt động… “Mô hình đại học là mô hình thích hợp để triển khai cơ cấu đa ngành”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Nhưng, theo Thứ trưởng, thay đổi một mô hình, một định hướng, từ sự lựa chọn đến vận hành đầy đủ và hiệu quả là cả một khoảng cách. Một ĐH vận hành theo mô hình mới, với mô hình quản trị tiên tiến, sự chuyển đổi đó cần phải được tiến hành cùng lúc và đồng bộ, cần phải thấy hết các thách thức còn đang chờ phía trước.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị, UEH cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ cấu, tổ chức để thực sự trở thành đại học theo định hướng nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực và phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu về giáo dục chất lượng gắn liền thực tiễn. Đặc biệt là tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng nhà trường thành một trung tâm nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực có chất lượng cao của khu vực và thế giới.
UEH hoạt động theo mô hình nào?
UEH là ĐH được phát triển thành “ĐH đa ngành, đa lĩnh vực”, gồm 3 cấp độ quản trị: cấp ĐH (University), cấp trường thành viên (College), phân hiệu (Branch) và cấp khoa/viện (School/Institute).
Trong số các đơn vị đào tạo, có Trường Kinh doanh; Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước; Trường Công nghệ và Thiết kế; Phân hiệu Vĩnh Long.
Trong đó, Trường Kinh doanh gồm các khoa: Quản trị, Kinh doanh quốc tế-marketing, Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Du lịch; Viện Phát triển nguồn nhân lực và kinh doanh. Ban giám hiệu Trường Kinh doanh gồm: PGS-TS Bùi Thanh Tráng làm Phó hiệu trưởng phụ trách và TS Đinh Thị Thu Hồng làm Phó hiệu trưởng.
Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước gồm các khoa: Kinh tế, Tài chính công, Luật, Quản lý nhà nước và các viện, trung tâm khác. Trường do PGS-TS Phạm Khánh Nam làm Phó hiệu trưởng phụ trách.
Trường Công nghệ và Thiết kế gồm các khoa: Toán-Thống kê, Công nghệ thông tin kinh doanh, Thiết kế truyền thông và các viện, trung tâm khác. Ban giám hiệu Trường Công nghệ và Thiết kế gồm: GS-TS Sử Đình Thành kiêm nhiệm Hiệu trưởng trường, TS Park Young June làm Hiệu trưởng danh dự và 2 Phó hiệu trưởng gồm: PGS-TS Trịnh Thùy Anh, TS Thái Kim Phụng.
Từ năm 2021, UEH đã xác định chiến lược phát triển trở thành ĐH đa ngành và bền vững với việc thành lập 3 trường thành viên cùng với Phân hiệu Vĩnh Long. Quy mô đào tạo của ĐH Kinh tế TP.HCM hiện tại là hơn 36.000 người học, với 38 ngành trình độ ĐH, 19 ngành trình độ thạc sĩ và 14 ngành trình độ tiến sĩ.