Và tôi hoàn toàn đồng tình với từng câu chữ ấy.
Bị chê “lúa” nếu không đệm tiếng lóng
Dùng từ “nhắc nhở” có vẻ nhẹ nhàng quá.
Trong câu chuyện văn hóa ứng xử hôm nay, lời răn dạy của bậc cha chú đối với một bộ phận người trẻ núp sau bàn phím nuôi dưỡng sự phóng túng trong suy nghĩ, ẩu tả trong ngôn từ ấy phải được gọi đúng tên: Chấn chỉnh những cái “mỏ hỗn”!
Người nghệ sĩ cống hiến hết mình cho nghệ thuật qua từng tiết mục truyền cảm hứng bỗng dưng bị vô số người dưng tràn vào nhà viết lên tường câu từ cạnh khóe, mỉa mai sâu cay như “ông già”, “chưa đủ tầm”, “đu fame”…
Và khi bao người chọn cách im lặng “bơ đẹp” từ ngữ chói tai hoặc “ăn miếng trả miếng” đáp trả anti-fan bằng mọi giá thì một nghệ sĩ chọn cách răn đe đầy ẩn ý cùng lời căn dặn thâm thúy mà chân thành:
“Câu chuyện này nên rạch ròi rõ ràng. Ai yêu ai thích ai cũng được nhưng hãy nhớ chúng ta đang thưởng thức nghệ thuật dưới góc nhìn của người có văn hóa dân tộc Việt Nam. Là một dân tộc yêu hòa bình. Trọng tình, trọng nghĩa, hiếu học, yêu nước. Không có bố mẹ nào muốn con mình là đứa m** d**. Không nhà trường nào muốn học sinh của mình là đứa vô học!“.
Chúng tôi làm cha mẹ luôn chú tâm rèn con trẻ nói lời hay ý đẹp. Chúng tôi ngày ngày đứng trên bục giảng vẫn chăm chút rèn giũa học trò biết thưa gửi, biết cảm ơn và xin lỗi, biết bao dung và thứ tha…
Nhưng bầy trẻ rời vòng tay mẹ cha, rời vòng ôm của trường lớp lại va chạm với tiêu cực trên không gian mạng. “Luồng khói độc” trong văn hóa ứng xử cứ đập vào mắt, chui vào tai và gieo trồng những hạt mầm sâu bệnh nơi mảnh đất tâm hồn trẻ thơ.
Chỉ cần một cú nhấp chuột hoặc một thao tác nhẹ chạm tay thì ngay lập tức luồng khói độc sẽ chui tọt vào tâm trí của các bạn trẻ. Nhìn nhiều sẽ quen mắt, nghe miết sẽ quen tai. Và khi đã tiêm nhiễm, nó sẽ điều khiển chính con người trong vô thức.
Có những bạn trẻ nói tục như một thói quen, bị chê “lúa” nếu không đệm tiếng lóng khi giao tiếp. Bao biện “sống thật”, “sống thẳng”, “sống chất” mà một bộ phận người trẻ trưng ra phông văn hóa ứng xử kém duyên, xấu xí.
“Gia cố” hai chân kiềng
Sao không ít người trẻ có thể dưỡng nuôi mớ cảm xúc tiêu cực và độc hại ấy trong tâm hồn? Phụ huynh có biết con cái nhà mình đang xả rác trên mạng ảo, hay vẫn đinh ninh nó là đứa trẻ lễ phép? Mỗi bậc sinh thành có để tâm theo dõi dấu chân số của con cái để định hướng kịp thời, uốn nắn kịp lúc?
Thế giới mạng giúp ta kết nối không giới hạn, bày tỏ chính kiến cá nhân và quan sát mọi biến động của thế giới xung quanh. Tiếc rằng chúng ta ngày càng chứng kiến nhiều hơn câu từ chói tai, dòng status phản cảm, câu chuyện bóc phốt cùng những lời thị phi.
Công nghệ đang phục vụ cho con người và chính con người đã lợi dụng nó để thức hiện ý đồ xấu xa của mình. “Đá” núp sau bàn phím cứ ném về phía người từ tâm với vô số lời chỉ trích, thóa mạ cùng những quy chụp “vơ đũa cả nắm”.
Đó hẳn là một trong những lý do khiến người Việt từng lọt vào bảng xếp hạng các quốc gia có chỉ số văn minh tốp dưới trên không gian mạng?
Văn hóa ứng xử trên không gian ảo nói chung và thưởng thức, bình luận nghệ thuật nói riêng cần được chấn chỉnh một cách cấp thiết!
Nhiều nước trên thế giới ngày càng nhận thức sâu sắc về mặt trái của mạng xã hội và có động thái quyết liệt ngăn chặn sự lây lan của thông tin xấu độc, trừng trị thích đáng kẻ lợi dụng mạng ảo để trục lợi, xâm phạm quyền riêng tư, phỉ báng danh dự…
Chúng ta không thể cứ hô hào khẩu hiệu nâng cao văn hóa ứng xử trên không gian mạng một cách lý thuyết suông.
Hãy mạnh tay ngăn chặn cái xấu bằng chế tài nghiêm khắc cùng hành lang pháp lý chặt chẽ đẩy lùi luồng khói độc trên mạng ảo.
Và để dẹp bớt những cái “mỏ hỗn” trên mạng xã hội, thiết nghĩ hai chân kiềng gia đình – nhà trường phải “gia cố” hơn nữa bài học đạo đức từ cuộc đời thực đến mạng ảo.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dep-nhung-cai-mo-hon-tren-mang-xa-hoi-cach-nao-20240908080513934.htm