Trung tá Nguyễn Thế Anh, Trưởng Công an xã Ngọc Mỹ cho biết, chợ chim trời trên đường gom Đại lộ Thăng Long, đoạn qua thị trấn Quốc Oai, hướng từ Hòa Lạc về trung tâm Hà Nội đã tồn tại lâu nay.
Lực lượng chức năng đã nhiều lần tuyên truyền và nhắc nhở các hộ dân.
Tuy nhiên, cứ sau một thời gian “mất tích”, khu chợ lại “mọc” lại. Ban đầu, người dân mang gà, vịt ra bán rồi dần dần thêm các loại chim, cò được quảng cáo là “chim hoang dã”.
“Dọc chợ chim tự phát này có khoảng 15 hộ dân thường xuyên buôn bán gà, vịt và một số loài chim trời. Những người này chủ yếu là người bản địa, cư trú trên địa bàn xã Ngọc Mỹ và một số xã lân cận thuộc huyện Quốc Oai.
Trước đây người dân làm lán trại cố định ở ven đường để bán hàng. Sau nhiều lần chính quyền tuyên truyền, nhắc nhở, người dân làm những chiếc xe kéo, bên trên chứa lồng nhốt vịt gà, chim trời để bán”, Trung tá Nguyễn Thế Anh cho biết.
Sau khi nhận được bài viết phản ánh của báo Dân trí, Ban chỉ đạo 197 xã Ngọc Mỹ đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể ra quân giải tỏa toàn bộ khu vực bán chim trên tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long, thuộc xã Ngọc Mỹ, tháo dỡ toàn bộ lều quán tạm bợ.
Mặc dù vậy, sau đó, vẫn còn một số hộ dân dùng xe kéo chở gia cầm, chim trên khu vực đường gom Đại lộ Thăng Long để bán.
Để giải quyết triệt để hoạt động của chợ chim trời này, trong thời gian tới Ban chỉ đạo 197 xã Ngọc Mỹ phối hợp lực lượng Công An xã Ngọc Mỹ, đội Kinh Tế Công An huyện Quốc Oai sẽ thường xuyên tuần tra nhắc nhở, xử phạt đối với các hộ cố tình buôn bán, lấn chiếm lòng đường vỉa hè trên đường gom Đại lộ Thăng Long làm mất cảnh quan và vệ sinh môi trường.
Chợ tự phát buôn bán chim trời trên địa bàn huyện Thanh Oai (Hà Nội) cũng được lực lượng chức năng dẹp bỏ.
Sau khi lực lượng chức năng UBND xã Ngọc Mỹ dẹp chợ chim và cấm bán chim, động vật không có nguồn gốc tại chợ, đa phần các tiểu thương đồng thuận nhưng họ lại khá lo lắng về việc buôn bán trong thời gian tới.
Anh T., một tiểu thương cho biết, tiểu thương ở đây chủ yếu bán các loại gà, vịt. Tùy thời điểm trong năm, họ mới bán thêm những loại chim trời.
“Chính quyền không cho buôn bán ở đây nữa thì bà con chúng tôi cũng sẽ chấp hành nhưng thật lòng, tôi đang lo lắng sau này không biết làm gì để nuôi gia đình”, anh T. nói.
Trước đó, chia sẻ với báo Dân trí, đại diện Hội Nghiên cứu và Bảo tồn chim hoang dã Việt Nam cho hay, các văn bản liên quan đến bảo vệ chim hoang dã đều đã có, tuy nhiên nhiều địa phương vẫn còn triển khai theo kiểu chống chế, “ném đá ao bèo”.
Hoạt động săn, bắt tận diệt, hủy hoại môi trường sống tự nhiên dẫn đến việc thay đổi môi trường sống và hệ sinh thái, làm suy giảm số lượng, thành phần các loài chim hoang dã, di cư, một số loài chim di cư đã không còn xuất hiện trong các mùa chim di cư đến Việt Nam.