TPO – Từ năm 2017, Hà Nội đã lắp đặt các cụm đèn tín hiệu có nút bấm chủ động dành riêng cho người đi bộ sang đường ở những nơi không có cầu vượt hay hầm đi bộ. Tuy nhiên sau 7 năm triển khai, đèn tín hiệu này chưa phát huy hiệu quả, thậm chí có nơi tồn tại theo kiểu “có cũng như không”.
Từ năm 2017, TP Hà Nội đã lắp đặt thí điểm các cụm đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ sang đường. Tính đến nay, Hà Nội hiện có tổng 13 nút giao thông gắn đèn loại này. |
Theo thiết kế, một nút bấm được lắp đặt trên cột đèn tín hiệu, nơi đường có vạch kẻ trắng ưu tiên. Khi muốn qua đường, người đi bộ thực hiện thao tác bấm nút. Sau một lúc, đèn tín hiệu giao thông sẽ chuyển sang màu đỏ yêu cầu các phương tiện dừng lại, đèn ưu tiên người đi bộ chuyển màu xanh để người đi bộ qua đường an toàn. |
Tuy nhiên sau 7 năm triển khai, đèn tín hiệu cho người đi bộ chưa phát huy hiệu quả |
Theo ghi nhận của PV, tại các điểm có lắp đèn tín hiệu giao thông dành cho người đi bộ trên các tuyến đường, phố như: Xuân Thủy, Láng Hạ, Đinh Tiên Hoàng.., ít người dân sử dụng khi sang đường. |
Nhiều đèn đã không còn hoạt động, số khác thường xuyên bị hỏng, mất tín hiệu. |
Hai bạn Nhật Minh và Chung -trường THPT Nguyễn Tất Thành chia sẻ: “Mình thường xuyên đi học về qua tuyến đường Xuân Thủy, Cầu Giấy. Đi bộ sang đường cũng sợ lắm nhưng khi bấm đèn ưu tiên mà chẳng có tín hiệu gì”. |
Hệ thống đèn ưu tiên cho người đi bộ tại khu vực trước cửa bưu điện Hà Nội vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, khi hệ thống đèn báo hoạt động, dòng xe máy, ô tô vẫn bất chấp lao qua và không nhường đường cho người đi bộ. |
Du khách nước ngoài bối rối, không biết sang đường như thế nào khi trên phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, đèn ưu tiên cho người đi bộ bị các phương tiện “phớt lờ”. |