BBK – Mang theo ấn tượng ban đầu từ câu chuyện xưa truyền lại, chúng tôi bước vào hành trình khám phá Tam Chúc – Ngôi chùa có tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á. Giữa tiên cảnh mênh mông, mỗi bước chân đều đem đến những điều thú vị, ngỡ ngàng và cả sự an yên tách biệt với cuộc sống bận rộn bên ngoài…
“Tiên cảnh nơi chùa Tam Chúc”. |
Trong lần đi học tập kinh nghiệm tại Báo Hà Nam, đoàn Báo Bắc Kạn háo hức vì trong lịch trình sẽ đi thực tế tại chùa Tam Chúc. Bằng chất giọng trầm ấm, ông Nguyễn Thế Vĩnh, Phó Tổng biên tập Báo Hà Nam cho rằng: “Đó còn là nơi được biết đến với tên gọi “Tiền lục nhạc – Hậu thất tinh””.
Nguồn gốc của cái tên này gắn với câu chuyện được lưu truyền từ lâu đời: Thuở xưa, trời đất còn gần nhau, các nàng tiên nữ xuống trần gian chơi. Đi qua Tam Chúc, thấy phong cảnh hữu tình nên mê mẩn đến quên đường về. Nhà trời mỗi lần gọi về sẽ ném xuống một quả chuông, ném đến sáu lần mà các nàng vẫn say sưa ngắm cảnh. Sáu quả chuông ném xuống đó chính là sáu ngọn núi nằm rải rác khắp hồ nước lớn trước cảnh chùa Tam Chúc hiện nay, hay còn gọi là “Tiền lục nhạc”.
Trên dãy núi 99 ngọn nằm ở phía Tây Nam hướng về chùa Hương có 7 ngọn gần làng Tam Chúc. Tích xưa kể rằng, khi ấy, cả 7 ngọn núi này đều xuất hiện những đốm sáng lớn tựa như 7 ngôi sao. Ánh sáng lung linh từ trên cao rọi xuống một vùng rộng lớn, dân làng gọi đó là núi Thất Tinh. Có người xấu muốn phá đi 7 ngôi sao để kìm hãm thế đất ấy. Họ chất củi thành đống lớn và đốt nhiều ngày khiến cho 4 ngôi sao bị mờ dần đi và cuối cùng chỉ còn lại 3 ngôi sao. Vì thế, thị trấn của huyện Kim Bảng có tên gọi Ba Sao được lấy từ tích ấy”.
Đoàn cán bộ, phóng viên, CTV Báo Bắc Kạn và Báo Hà Nam chụp ảnh lưu niệm tại chùa Tam Chúc. |
Câu chuyện ngày xưa, chẳng biết là hư hay thực, nhưng từ bước chân đầu tiên đến chùa Tam Chúc tôi đã ngỡ ngàng trước cảnh sắc nơi đây. Chùa Tam Chúc là một quần thể kiến trúc tâm linh được xây dựng trên diện tích hơn 40ha, bố trí dọc theo một trục thần đạo từ cao xuống thấp, gồm: Chùa Ngọc, điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm và cổng Tam Quan.
Đoàn chúng tôi hướng đến chùa Ngọc đầu tiên. Men theo con đường rộng ban đầu, cả đoàn hăm hở leo dốc, cười nói rộn rã. Người đồng nghiệp báo bạn bảo: “Ngày trước để bê được pho tượng bằng ngọc lên đến chùa, phải mất rất nhiều thời gian, mỗi ngày chỉ khiêng lên được một chút. Tất cả tượng tại chùa Tam Chúc đều được di chuyển đến vị trí cố định rồi mới tiến hành xây dựng chùa”. Leo dốc đến khi mồ hôi lấm tấm, chúng tôi mới thấy tấm biển chỉ đường lên chùa Ngọc, lúc này hành trình gian nan nhất mới bắt đầu.
Leo 299 bậc thang đá len lỏi giữa rừng, cả đoàn có mặt trên đỉnh núi Thất Tinh, có độ cao 200m so với mực nước biển, đây là nơi chùa Ngọc tọa lạc. Chùa có 3 tầng mái cong, được xây dựng hoàn toàn bằng các phiến đá granit đỏ, do các nghệ nhân Ấn Độ chế tác tại Ấn Độ và vận chuyển sang lắp đặt theo phong cách kiến trúc cổ Việt Nam mà không cần bê tông kết dính. Đây là công trình tiêu biểu mang dấu ấn của những người thợ quê hương Đức Phật. Trong chùa thờ một pho tượng bằng ngọc trắng tinh tế vô cùng. Giữa làn nhang mỏng, du khách không ngớt trầm trồ khi đứng từ chùa Ngọc nhìn ra xung quanh. Mọi thứ tĩnh lặng, lòng người an nhiên, tiên cảnh phía trước bao lâu mới gặp một lần?
Cảnh sắc ấn tượng tại chùa Tam Chúc. |
Bác Chu Văn Ân, bảo vệ chùa Ngọc nhiệt tình giới thiệu: Những ngày đầu năm du khách đến đông lắm, đường lên khó nên phải xếp hàng. Dịp hè nắng nóng thì khách vãn hơn. Hầu hết mọi người đến chùa Tam Chúc đều cố gắng leo lên đây. Có hai vợ chồng 70 tuổi vẫn cùng nhau lên, có em bé 5 tuổi cũng leo lên, vừa đi vừa nghỉ. Cùng với tấm lòng hướng phật, du khách muôn nơi đều ngỡ ngàng khi được ngắm toàn bộ phong cảnh phía dưới.
Phóng viên Báo Bắc Kạn tìm hiểu về chùa Tam Chúc. |
Men theo những bậc thang đá, chúng tôi xuống điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm và cổng Tam Quan. Mỗi điểm dừng chân tôi đều thấy mình thật nhỏ bé, thanh thản lạ kỳ. Tại điện Tam Thế có bày 3 pho tượng Phật bằng đồng, mỗi pho nặng 125 tấn: Tượng Phật Quá khứ, Hiện tại và Tương lai. Điện Pháp Chủ đặt pho tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối, nặng 150 tấn do nghệ nhân Việt Nam chế tác. Điện Quan Âm là nơi thờ Phật nghìn tay nghìn mắt. Trong hành trình trải nghiệm, đoàn chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng những công trình công phu như: Hơn 10 nghìn bức tranh đá được chạm khắc tinh xảo do những người thợ Indonesia tạc bằng đá núi lửa đưa sang, mỗi bức tranh đá có nội dung tái hiện cuộc đời Đức Phật; hay hệ thống vườn Cột Kinh với hình thể và quy mô đồ sộ, sử dụng đá xanh nguyên khối. Ngắm nhìn những công trình tỉ mỉ, tinh tế, mỗi người như cảm nhận như Đức Phật hiển linh, hoà quyện với cảnh sắc nơi đây gắn với hồn thiêng sông núi…
Ba pho tượng tại điện Tam Thế. |
Ngoài các công trình đang dần được hoàn thiện và hiện hữu, khi đến với chùa Tam Chúc, đoàn chúng tôi còn được biết về sự đa dạng sinh học trong lòng hồ Tam Chúc với nhiều loài động vật quý hiếm. Sáu ngọn núi trên hồ Tam Chúc còn là nơi trú ngụ của hàng nghìn cá thể cò, vạc cùng nhiều loài chim quý. Đây cũng là điểm nhận diện khác biệt và độc đáo cho Khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Tam Chúc, vừa đan xen văn hóa, tâm linh với tham quan khám phá cảnh quan thiên nhiên độc đáo nơi núi rừng Kim Bảng.
Chiều muộn, những chuyến xe và thuyền hai tầng mái cong chầm chậm đưa du khách quay về bằng đường bộ và đường thủy, đem theo những trải nghiệm khó phai về du lịch tâm linh tại chùa Tam Chúc trong tim mỗi du khách…/.