'Ở Nhật Bản, những việc tôi không làm có thể nhiều người khác làm được. Những việc mình có thể làm được cho sinh viên ở Việt Nam có lẽ là sẽ có ý nghĩa hơn', PGS.TS Nguyễn Phi Lê chia sẻ lý do từ chối ở lại Nhật Bản giảng dạy.
Từ năm 2019 đến nay, nhiều sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã khá quen thuộc với hình ảnh cô Phi Lê trong phòng nghiên cứu đồng hành cùng các bạn sinh viên làm nghiên cứu khoa học. Thế nhưng, để có thể đứng ở vị trí này đồng hành cùng sinh viên, cô từng từ chối lời mời làm giảng viên một trường đại học ở Nhật Bản để trở về.
Chọn nơi nhiều người cần mình hơn
PGS.TS Nguyễn Phi Lê, 42 tuổi, đang đảm nhận vị trí điều hành Viện Nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI4LIFE), giảng viên khoa khoa học máy tính, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. Trước đó, năm 2000, khi còn là học sinh Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), cô đã đoạt huy chương bạc tại kỳ thi Olympic toán học quốc tế (IMO 2000), trở thành một trong 11 nữ sinh của Việt Nam đoạt huy chương trong lịch sử các kỳ thi IMO. Lên đại học, cô chọn học chương trình tài năng ngành điện tử viễn thông tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau năm nhất, cô nhận được học bổng của Chính phủ Nhật Bản và học ngành công nghệ thông tin và truyền thông tại Đại học Tokyo, tốt nghiệp cử nhân loại xuất sắc vào năm 2007, tốt nghiệp thạc sĩ năm 2010. "Tôi muốn trở về hơn bởi tôi nghĩ ở đâu cũng sẽ làm được việc, không nhất thiết phải ở nơi có điều kiện hoàn cảnh tốt. Mỗi nơi mình sẽ có một vai trò khác nhau, quan trọng phải làm tốt vai trò của mình. Vì vậy, tôi quyết định trở về Việt Nam", cô Phi Lê chia sẻ. Năm 2010, trở về Việt Nam, cô đã vào làm việc tại trung tâm nghiên cứu và phát triển của Viettel. Tuy nhiên sau một thời gian cảm thấy công việc này không phù hợp thiên hướng của mình nên cô đã quay trở lại Đại học Bách khoa Hà Nội để gắn bó với việc nghiên cứu, giảng dạy cho tới nay. Đến năm 2016, cô trở lại Nhật Bản làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, trở thành sinh viên xuất sắc nhất Viện Tin học quốc gia Nhật Bản năm 2018; năm 2019 nhận bằng tiến sĩ công nghệ thông tin tại Viện Tin học quốc gia Nhật Bản. Đây cũng là lần thứ hai cô Phi Lê đứng trước một lựa chọn ở lại hay trở về. "Ở Nhật tôi có thể như hạt cát, nếu tôi không làm thì có thể có người khác làm được. Những việc mình có thể làm được cho sinh viên của mình ở Việt Nam có lẽ là sẽ có ý nghĩa hơn. Từ những lý do đó tôi đã từ chối cơ hội hiếm có này. Đến thời điểm hiện tại tôi vẫn thấy quyết định của mình là đúng đắn", cô Phi Lê kể lại. Đón sinh viên vào nhóm nghiên cứu từ số 0 Từ chối cơ hội làm giảng viên tại một trường đại học tại Nhật Bản, năm 2019 cô Phi Lê trở về Việt Nam và tiếp tục làm công tác nghiên cứu, giảng dạy tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
Cô Phi Lê đang là trưởng một nhóm nghiên cứu gồm hơn 30 sinh viên, thạc sĩ và nghiên cứu sinh tài năng tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhóm nghiên cứu của cô đã có hơn 120 công bố tại nhiều tạp chí và hội thảo uy tín, bao gồm Neurips, ICML, EMNLP, ECML, IPDPS, ComNet, Comcom, JNCA, IEEE Sensors, ACM TOSN. Cô Phi Lê cũng đã giành nhiều giải thưởng bài báo xuất sắc tại các hội thảo uy tín, bao gồm ISSNIP'14, SoICT'15 và ICT-DM'19, CCGrid 2023 và CANDAR 2023.
Những vị trí quan trọng đẩy mạnh phát triển AI tại Việt Nam
Tháng 3-2021, cô Phi Lê được bổ nhiệm vị trí giám đốc của Trung tâm nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (BKAI), đến tháng 10-2024 được giao nhiệm vụ điều hành Viện Nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI4LIFE). Viện Nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI4LIFE) có sứ mạng nghiên cứu về AI và đưa những kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tế, phối hợp với các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước giải quyết các bài toán thực tiễn. Ngoài ra, viện có sứ mạng tham gia đào tạo sau đại học, mở rộng hợp tác với các đơn vị trên thế giới để đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng AI liên ngành tại Đại học Bách khoa Hà Nội.Nguyên Bảo - Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/tu-giai-bac-olympic-toan-quoc-te-den-nu-tien-si-mang-khat-vong-phat-trien-ai-20241119230829415.htm
Kommentar (0)