Teil 4: Eigenständigkeit - Grundlage der Unabhängigkeit und Anpassung in der neuen Zeit

Việt NamViệt Nam08/02/2025


Người Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 08/02/2025 05:35:01

http://baodongthap.com.vn/database/video/20250208053628dt2-7.mp3

 

ĐTO - Trong khi chính người Việt Nam ở Đồng Tháp và người ngoài tỉnh ca ngợi hết mực về những phẩm chất tốt đẹp về người Đồng Tháp, tinh thần tự lực chưa phải là điểm nổi trội. Thật ra, những thế hệ “khai hoang, mở cõi” đã có ý chí tự lực và các lớp người kế tiếp, lấy nó làm hành trang để gánh vác trọng trách xây dựng gia đình, bảo vệ quê hương và góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc một cách vững chắc. Tự lực đã, đang và là cơ sở, tiền đề quan trọng trong tính độc lập và phát triển nhân cách. Nó cần được lưu truyền và khích lệ đối với giới trẻ hiện nay để có thể làm chủ nhân xứng đáng của “Đất Sen hồng”.


Anh Nguyễn Thế Ngoan Vinh (bìa phải) ngụ ấp Tân An, xã Tân Thành, huyện Lai Vung đã tìm tòi, ứng dụng kiến thức được học để thực hiện thành công nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Ảnh tư liệu)

>> Kỳ 1: Yêu nước - nguồn lực của thịnh vượng

>> Kỳ 2: Đoàn kết - tự nhiên và trong sáng

>> Kỳ 3: Trung thực - sáng mãi với thời gian

Tự lực được hiểu là tự dùng chính sức lực, năng lực của bản thân để làm việc, cống hiến. Tự lực không chỉ dừng lại ở việc tự mình làm việc mà còn bao gồm cả khả năng tự học hỏi, tự sáng tạo, tự giải quyết vấn đề. Trong dân gian, người ta nói đến “Tự lực cánh sinh” để chỉ người có ý chí kiên cường, tự mình cố gắng để trưởng thành và đạt được thành công. Tự lực thường được gắn kết với tự cường thành “Tự lực, tự cường”. Tự cường không chỉ là mạnh mẽ về thể chất mà còn mạnh mẽ về tinh thần, ý chí, bản lĩnh. Đó là sự tự tin vào khả năng của bản thân, của dân tộc, dám đối mặt với khó khăn, thử thách. Tự lực, tự cường là dựa vào chính mình, làm bằng sức mình, là ý thức làm cho mình mạnh lên để gánh vác và thực thi trách nhiệm. Tự lực, tự cường trái ngược hoàn toàn với sự ỷ lại, dựa dẫm vào người khác, lực lượng bên ngoài. Tự lực, tự cường là điều kiện, tiền đề của tự chủ, tự quyết, của tinh thần độc lập tự do.

Phần lớn lưu dân người Việt Nam đến Đồng Tháp để thoát khỏi cường quyền và “tìm kế sinh nhai”. Thuở ban đầu “lập ấp”, họ sống trong tình cảnh “tứ cố vô thân”. Để “sinh cơ lập nghiệp” trên vùng đất mới và hoang vu, mỗi người, từng gia đình và các cộng đồng nhỏ phải tự lực cưu mang lẫn nhau mà sống. Và đôi khi gặp cảnh mưa gió thất thường, con người phải chịu đựng tình thế “đồng không mông quạnh”. Ngay cả trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, do địa bàn bị chia cắt, các tổ chức cách mạng, lực lượng vũ trang và bán vũ trang phải tự mình chiến đấu.

Những điều kiện khách quan ấy đã tạo nên tính cách người Đồng Tháp khá tự chủ và tự lực, tự cường. Do vậy, khi khởi đầu của công cuộc “Đổi mới”, Đảng bộ và các tầng lớp người Đồng Tháp nhiệt liệt hưởng ứng thực hiện khẩu hiệu do lãnh đạo Đảng phát động: “Tự cứu trước khi trời cứu”. Người người  tham gia tiến công chinh phục vùng Đồng Tháp Mười và khôi phục làng nghề, hoạt động sản xuất, kinh doanh... từng bước làm hồi sinh và “thay da đổi thịt” vùng đất đầy tiềm năng về nông nghiệp. Các phong trào “3 tự”, “4 tự’ hay “3 tại chỗ”, “4 tại chỗ”... được người Đồng Tháp tích cực tham gia và năng động thực hiện các nội dung. Tinh thần tự lực ấy tỏa sáng trong thời đại mới.

Ngày nay, tỉnh Đồng Tháp nói riêng, cả nước nói chung đang hội nhập sâu vào thế giới đầy biến động, tiếp thu và tiếp biến nhiều nền văn hóa, ứng phó với khí hậu cực đoan, phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy và bị cuốn hút bởi cách mạng khoa học - công nghệ mà nhất là AI, công nghệ thông tin, số hóa...

Trong thời đại mà mạng xã hội bùng nổ với những thông tin đan xen giữa quý giá và đầy rác rưởi, mỗi cá thể phải tự chọn thông tin, xử lý, tiếp nhận. Và từ đây, mỗi người tự ý thức và điều khiển hành vi của mình trong các mối quan hệ xã hội. Mỗi người là một cá thể độc nhất trong sự đa dạng của nhận thức, lối sống, văn hóa. Theo đó, con người đang có bước chuyển đổi về chất. Tính tự lực của con người được đề cao đến mức “tuyệt đối”. Đã qua rồi cái thời mà người lớn bắt buộc các bé phải tuân thủ hay “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Ngay từ rất sớm, trẻ được nuôi dưỡng ý thức “tự quyết”, “lựa chọn”, phản biện... Dĩ nhiên, tự lực không có nghĩa là sự đơn độc, bất cần người khác, mà chính nó tạo ra khả năng cộng tác, liên kết chặt chẽ hơn. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đem sức ta mà giải phóng cho ta” cũng hàm chứa sức mạnh của cộng đồng, của đoàn kết. Với sự giúp đỡ của tập thể và cộng đồng, người nghèo không cam tâm cảnh nghèo mà nỗ lực vượt bậc để thoát nghèo, hộ khá phấn đấu trở nên giàu, gia đình giàu thì giàu thêm, cả xã hội thịnh vượng. Là thuộc tính tự nhiên, con người luôn có tinh thần tự lực. Qua đó, con người trở nên mạnh mẽ, làm được những việc tưởng như không thể. Tự lực là cơ sở của sự độc lập và tiền đề cho liên kết. Trong mỗi giai đoạn phát triển của mình, người Đồng Tháp chứng tỏ tính tự lực cao. Đây cũng là “vật liệu” tạo nền cho lớp trẻ vững bước trong cuộc đua làm cho mình, gia đình giàu và góp phần kiến tạo quê hương, đất nước trở nên thịnh vượng, văn minh.

DÂN BIỆN



Nguồn: https://baodongthap.vn/chinh-tri/ky-4-tu-luc-co-so-cua-su-doc-lap-va-thich-ung-trong-giai-doan-moi-129082.aspx

Kommentar (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available