Sáng 29/1, Cục CSGT (Bộ Công an) phối hợp cùng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức hội thảo “Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ”.

Tại hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh- Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, tác hại của việc sử dụng rượu, bia là rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực như: kinh tế, y tế, giáo dục, giao thông và làm gia tăng các vấn đề xã hội.

“Ngay từ khi có hiệu lực, Nghị định 100 đã tạo được hiệu ứng, lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân, giảm thiểu tai nạn giao thông. Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSGT cả nước đã đồng loạt thực hiện quyết liệt việc kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có ngày nghỉ. Qua đó, bước đầu hình thành thói quen của người tham gia giao thông đã uống rượu, bia không lái xe”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh đánh giá.

W-hoi-thao-01-copy-1.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an)

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng, vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông trong cơ thể có nồng độ cồn, trong đó, cá biệt xuất hiện những vụ tai nạn liên hoàn, làm chết và bị thương nhiều người, gây tai nạn rồi bỏ chạy, chống lại người thi hành công vụ…

Cũng tại hội thảo, Đại tá Nguyễn Quang Nhật – Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT) cho biết, theo thống kê, điều tra xã hội học với 45.661 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam của Bộ Công an, có 23.438 phạm nhân trước khi phạm tội có sử dụng rượu, bia. 

W-hoi-thao-2-copy-1.jpg
Đại tá Nguyễn Quang Nhật phát biểu tại hội thảo

“Trong năm 2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 770 nghìn trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; trung bình mỗi ngày xử lý đến 2.100 trường hợp”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật thông tin.

Cũng theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, tình trạng tài xế sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện có gia tăng vào các dịp lễ, Tết… Cụ thể, trong 15 ngày đầu đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu Xuân 2024 (từ 11-24/1), CSGT toàn quốc xử phạt hơn 40 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tức là mỗi ngày hơn 2.700 tài xế.

Uống 5 hay 30 cốc bia đều có thể bị phạt hành chính như nhau

Cũng đóng góp tham luận tại hội thảo, ông Trần Hữu Minh- Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, hiện nay, các quy định xử lý nồng độ đã tương đối đầy đủ, chặt chẽ. Tuy nhiên, qua phân tích các quy định hiện nay, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thấy rằng, vẫn có thể sửa đổi, bổ sung để làm tốt hơn.

Theo ông Trần Hữu Minh, hiện nay, mức xử phạt hành chính nồng độ cồn đã ở mức tương đối cao, tạo được sức răn đe tốt. Nhưng trên thực tế người uống 5 cốc hay 30 cốc, đều có thể bị xử phạt hành chính như nhau, ở mức 3 (cao nhất trên 80 mg/100 ml máu; phạt 30-40 triệu đồng; tước GPLX 22 -24 tháng đối với ô tô).

W-hoi-thao-3-copy-1.jpg
Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

“Điều này, chưa phù hợp với quy định xử phạt hành chính, tương xứng với mức độ vi phạm. Theo chúng tôi nếu vượt qua mức 3 hoàn toàn có thể tách ra để xử lý hành chính hoặc hình sự đối với hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng kể cả chưa gây hậu quả”, Chánh Văn phòng Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh.

Để thực hiện xử lý vi phạm nồng độ cồn đặc biệt nghiêm trọng, theo ông Trần Hữu Minh, cơ quan chức năng cần nghiên cứu để sửa đổi các quy định của pháp luật. Việc này cơ quan chuyên môn ngành y tế cần có văn bản khuyến cáo nồng độ cồn ở mức nào là ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng và người điều khiển sẽ mất kiểm soát hoàn toàn.

“Từ đó, sẽ chuyển người vi phạm nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng sang xử lý hình sự. Từ đó, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao sẽ ra các văn bản hướng dẫn để cơ quan chức năng phía dưới thực thi”, ông Trần Hữu Minh nói.

Xong những bữa tiệc tất niên, tài xế ‘say xỉn’ mất quyền lái ô tô chơi TếtNhững ngày cận Tết cũng là thời điểm các bữa tiệc tất niên gia tăng, kéo theo đó là hiện tượng tài xế “say xỉn” điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đã có nhiều người vi phạm nồng độ cồn, bị xử phạt tước giấy phép, mất quyền lái ô tô chơi Tết.