Nội dung trên được Bộ Giao thông vận tải đưa ra trong dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô, đang được lấy ý kiến góp ý.
Dự thảo này đề xuất quy định xe đưa đón học sinh phải thống nhất một màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe. Mặt trước và cạnh hai bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe đưa đón trường học. Mặt sau xe phải có biển báo hiệu dừng đỗ, biển cảnh báo các phương tiện khác không được vượt xe đưa đón đang đỗ ở bến để đón, trả học sinh.
“Xe đưa đón học sinh phải được trang bị thiết bị quan sát toàn bộ khu vực hành khách thông qua gương chiếu hậu bên trong và hệ thống camera giám sát bên trong để giám sát hành vi của lái xe, giám hộ và học sinh trên xe”, dự thảo nhấn mạnh.
Đồng thời dự thảo cũng yêu cầu cần lắp đặt thêm camera bên ngoài để giám sát tình trạng phía ngoài cửa lên xuống trước khi đón trả học sinh. Các thiết bị phải trang bị hệ thống ghi nhớ và xử lý thông tin lái xe.
Xe đưa đón cần có hệ thống còi báo động, âm thanh khẩn cấp hoặc liên lạc trực tiếp đến lái xe hoặc người quản lý để cảnh báo khi có học sinh bị bỏ quên trên xe thời gian không quá 15 phút.
Đặc biệt, xe đưa đón cần được kiểm tra thường xuyên, không có các chỗ lồi, lõm, cạnh góc sắc nhọn có nguy cơ gây thương tích cho học sinh.
Xe chở học sinh phải lắp đặt ít nhất một bộ sơ cứu được đánh dấu rõ ràng bằng ký hiệu quốc tế và công tắc cảnh báo khẩn cấp trong các trường hợp đặc biệt. Công tắc này phải được lắp ở các vị trí dễ quan sát và dễ dàng sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp.
Xe chở học sinh phải được trang bị bình chữa cháy để đề phòng trường hợp hỏa hoạn. Vị trí lắp đặt của bình chữa cháy cần được đánh dấu rõ ràng và dễ dàng tiếp cận trong trường hợp khẩn cấp. Khoang hành khách phải được bố trí ít nhất một bình chữa cháy có khối lượng ít nhất 2kg gần chỗ ngồi của quản lý học sinh và một bình gần chỗ ngồi của lái xe.
Không sử dụng xe 2 tầng và xe có khớp nối ở giữa làm xe đưa đón học sinh. Xe đưa đón học phải được trang bị thiết bị giới hạn tốc độ không vượt quá 80km/h. Với xe đưa đón học sinh mẫu giáo, số lượng học sinh không quá 45 người; xe đưa đón học sinh tiểu học, trung học cơ sở số lượng học sinh tối đa không quá 56 người.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải từng thông tin, hiện nay các tài liệu khuyến cáo của nhiều chuyên gia an toàn giao thông và của Liên hợp quốc đều khẳng định trẻ em là nhóm cần được ưu tiên bảo đảm an toàn trong quá trình tham gia giao thông hơn so với các nhóm khác.
Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng ô tô chưa có bất kỳ quy định nào mà chỉ đơn giản là loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng hợp đồng thông thường.
Do nhu cầu tăng nhanh, trong khi còn thiếu những quy định pháp luật nên trong quá trình hoạt động đã tồn tại không ít bất cập như: dịch vụ đưa đón học sinh vẫn còn tự phát, chất lượng xe không bảo đảm, lái xe thiếu trách nhiệm trong việc đưa đón học sinh…
Vì vậy, việc quy định này nhằm quản lý hoạt động vận tải đưa đón học sinh để đảm bảo an toàn giao thông, phù hợp với thực tiễn phát sinh hiện nay.
Tại dự thảo Luật Đường bộ đang được lấy ý kiến, Bộ Giao thông vận tải cũng quy định hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng ô tô có thể do cơ sở giáo dục đào tạo tự tổ chức, hoặc do đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện. Lái xe ô tô đưa đón học sinh phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe kinh doanh vận tải hành khách…
Còn dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định xe đưa đón học sinh có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn để nhận diện. Xe đưa đón học sinh được ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh…
Minh Khôi