Tiếp tục phiên họp toàn thể thứ 13, ngày 27/9, Ủy ban Kinh tế đã thực hiện thẩm tra báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả đáng ghi nhận, tính đến hết tháng 9/2023 đã giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt khoảng 95,7 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, một số chính sách đã hết thời gian thực hiện hoặc sử dụng hết nguồn lực, một số chính sách có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình còn chậm, có khả năng không thực hiện được các mục tiêu đã đề ra của chính sách.
Về chính sách đầu tư công và đầu tư phát triển khác, tờ trình Chính phủ cũng nêu rõ kết quả, trong đó, đã phân bổ chi tiết vốn Chương trình trong kế hoạch các năm 2022, 2023 gần 154 nghìn tỷ đồng, góp phần đẩy nhanh việc khởi công xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đường cao tốc, cầu khẩu độ lớn…
Tuy nhiên, một số khó khăn, vướng mắc cũng đã được chỉ rõ như việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ, giao kế hoạch vốn cho một số nhiệm vụ, dự án còn chậm, có khả năng không giải ngân hết kế hoạch vốn của Chương trình trong thời gian quy định…
Từ đó, Chính phủ đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chuyển nguồn lực thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội: Giảm 16.100 tỷ đồng kế hoạch vốn bố trí để thực hiện 4 chính sách cho vay ưu đãi.
Cắt giảm kế hoạch vốn của Chương trình, không triển khai một số dự án của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo: Giảm toàn bộ số vốn của Chương trình đã bố trí cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội của 5 dự án là 950 tỳ đồng và cho phép không thực hiện các dự án này; giảm số vốn của Chương trình đã bố trí cho Bộ Giáo dục và Đào tạo là 271,028 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Chỉnh phủ cũng đề xuất Quốc hội xem xét, quyết định được tiếp tục triền khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% chọ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43. Đối với số vốn không thực hiện hết khi kết thúc thời gian thực hiện chính sách (dự kiến 38.592 tỷ đồng), trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn, không huy động nguồn lực, không làm tăng bội chi.
Đồng thời, cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình đến hết năm 2025. Giao Chính phủ rà soát, xác định rõ số vốn cần kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân của từng dự án, trên cơ sở đó báo cáo ủy ban Thường vụ Quôc hội xem xét, quyết định.
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ có phân tích đánh giá căn cơ hơn về những hạn chế trong thực hiện các chính sách tài khoá và tiền tệ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội.
Từ đó, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Phát triển mạnh thị trường trong nước và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu, phấn đấu thặng dư thương mại bền vững.