(Dân trí) – Dự thảo Luật Nhà giáo quy định cụ thể 5 nội dung nhà giáo không được làm, trong đó cấm gian lận kết quả đánh giá học sinh.
Dự thảo Luật Nhà giáo quy định, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập không được làm những việc viên chức không được làm theo quy định của pháp luật về viên chức.
Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài không được làm những việc bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Ngoài điều này, dự thảo liệt kê 5 nội dung nhà giáo không được phép làm.
Cụ thể, nhà giáo không được phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức.
Nhà giáo không được gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, đánh giá người học.
Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức hoặc ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật cũng là hành vi bị nghiêm cấm.
Bên cạnh đó, nhà giáo không được lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động giảng dạy, giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Song song với quy định này, dự thảo Luật cũng nêu rõ những việc tổ chức, cá nhân không được làm với nhà giáo.
Đáng chú ý là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giữ nguyên đề xuất không được công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền.
Đề xuất này từng gây tranh cãi khi có thể khiến các sai phạm của nhà giáo không được phát hiện, phản ánh kịp thời.
Ở nội dung quyền của nhà giáo, dự thảo đề xuất cho phép nhà giáo có quyền chủ động lựa chọn, sử dụng tài liệu, học liệu phục vụ hoạt động giảng dạy, giáo dục.
Nêu ý kiến về dự Luật Nhà giáo trong thảo luận tại tổ sáng 9/11, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu quan điểm Luật Nhà giáo khi ban hành phải tạo điều kiện thuận lợi cho thầy cô trong công tác giảng dạy, không ban hành luật để thầy cô thấy khó khăn hơn trong môi trường giáo dục.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/de-xuat-cam-giao-vien-gian-lan-ket-qua-danh-gia-hoc-sinh-20241111092940338.htm