Dùng trên 700 kWh, trả tiền đắt gấp gần 3 lần
Theo đề xuất của Bộ Công thương, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang tại bản dự thảo 3 được cải tiến theo đề xuất của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) giảm từ 6 bậc xuống 5 bậc. Cụ thể, bậc 1 từ 0 – 100 kWh là 1.806,11 đồng/kWh; bậc 2 từ 101 – 200 kWh giá 2.167,33 đồng/kWh; bậc 3 từ 201 – 400 kWh là 2.729,23 đồng/kWh; bậc 4 từ 401 – 700 kWh có giá 3.250,99 đồng/kWh và bậc 5 cho kWh từ 701 trở lên, giá 3.612,22 đồng/kWh. Với biểu giá mới này, giá bán lẻ điện sinh hoạt so với giá bán lẻ điện bình quân hiện nay (2.006,79 đồng/kWh) bằng lần lượt 90%, 108%, 136%, 162% và 180%.
Như vậy, với biểu giá mới này, người dùng điện sinh hoạt trên 700 kWh/tháng sẽ phải trả mức giá điện cao gần gấp 3 lần giá bán lẻ bình quân (tương đương 180%). Các mức giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Nếu cộng thêm 8% thuế giá trị gia tăng, mỗi kWh điện người dùng từ 700 kWh trở lên phải trả gần 4.000 đồng.
Theo Bộ Công thương, việc thiết kế biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt giữ nguyên giá hiện hành cho người dùng từ 0 – 100 kWh điện nhằm đảm bảo tính ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp. Số này chiếm khoảng 33,48% số hộ. Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện có chỉ số từ 401 – 700 kWh. “Giá điện cho các bậc từ 401 – 700 kWh và từ 700 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp”, Bộ Công thương nêu quan điểm và nhấn mạnh giá điện cho từng bậc được thiết kế đảm bảo hạn chế tối đa tác động tới các hộ sử dụng điện.
Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương)
Đặc biệt, dự thảo bổ sung thêm nhóm khách hàng “cơ sở lưu trú du lịch” với giá ngang bằng với giá điện sản xuất, vì theo Bộ Công thương, phát triển du lịch sẽ góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu cho ngân sách quốc gia, thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tác động tích cực đối với phát triển các ngành kinh tế có liên quan. Theo tính toán của EVN, hiện giá bán điện cho sản xuất đang thấp hơn so với chi phí phân bổ. Do đó Bộ Công thương tính toán phần thiếu hụt doanh thu do bổ sung nhóm khách hàng “cơ sở lưu trú du lịch” có thể được xem xét để bù từ giá bán điện cho giờ thấp điểm của nhóm khách hàng sản xuất từ 4 – 8% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện nay. Bởi lẽ giá điện giờ thấp điểm của nhóm khách hàng này thấp hơn nhiều so với giá bán lẻ điện bình quân (từ 52 – 56%).
Với thay đổi này, theo cơ quan soạn thảo dự thảo quyết định, các doanh nghiệp sản xuất sẽ chịu tác động tăng giá từ 1,27 – 3,85%. Tuy nhiên, đổi lại các cơ sở lưu trú du lịch được giảm giá điện từ kinh doanh xuống bằng giá điện cho sản xuất khiến chi phí tiền điện hằng tháng của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch sẽ giảm đáng kể.
Xem xét lại giá điện sinh hoạt bù cho sản xuất
Theo chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương), việc thay đổi các bậc giá bán lẻ điện sinh hoạt và giảm giá bán lẻ điện cho dịch vụ du lịch bằng giá điện sản xuất cho thấy cơ cấu biểu giá điện chưa thực sự cải tiến và dễ dàng hơn cho người dùng điện như cơ quan soạn thảo mô tả. Đó là các hộ dùng điện nhiều tiếp tục trả tiền điện cho hộ sử dụng ít. Bù chéo trong giá điện sinh hoạt và bù chéo cho giá điện sinh hoạt với điện sản xuất đều không phù hợp. Tính ra, người dùng điện trên 400 kWh đã, đang và sẽ bù tiền điện cho nhà máy sản xuất, hộ dùng ít điện, cơ sở du lịch.
“Trong thực tế, mức 400 kWh/tháng đối với một hộ gia đình không phải là lớn, đa số đều dùng cao hơn mức này. Nghĩa là số đông hộ gia đình phải gánh giá điện cho các đối tượng khác là điều không công bằng, thậm chí không đúng luật. Nhà nước có chính sách an sinh xã hội, kinh phí hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được bố trí từ nguồn ngân sách. Thế nên, để người dùng điện bù chéo cho người dùng điện ít nữa là không hợp lý”, chuyên gia Ngô Đức Lâm phân tích.
Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, cũng cho rằng việc tiếp tục ưu đãi giá điện cho khối sản xuất cần xem xét lại. Theo dự thảo và quy định lâu nay, giá bán lẻ điện cho sản xuất vào khung giờ thấp điểm vẫn duy trì mức 52 – 67%, giờ bình thường chỉ bằng 78 – 90% so với giá bán lẻ điện bình quân. Thời gian qua, khi kinh tế thế giới gặp khủng hoảng, đơn hàng doanh nghiệp bị giảm sút, nhiều doanh nghiệp sản xuất, chủ yếu là doanh nghiệp gia công cho nước ngoài, đã sa thải từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn lao động phổ thông trong nước. Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp lớn này vào VN sản xuất, sử dụng lao động phổ thông giá rẻ, được ưu đãi thuế, tiền thuê đất… Chi phí tiền điện chi trả để sản xuất hàng hóa cũng được ưu tiên hơn và chính người dùng điện trong nước đang “bù” cho họ. Thế nhưng khi gặp khó khăn trong kinh doanh, nhà sản xuất dùng điện nhiều đang được hưởng giá tốt kia lại sa thải chính người lao động, trong số đó cũng sẽ có không ít người đã và đang trả bù tiền điện cho họ.
“Nói một cách công tâm và công bằng, biểu giá điện tính cho khu vực sản xuất cần xem xét lại”, ông Hà Đăng Sơn nhấn mạnh.
Góp ý dự thảo quyết định, Hội Điện lực VN nêu quan điểm: Thứ nhất là cần thiết phải quy định rõ ràng, rành mạch việc ngân sách bù đắp phần chi phí chênh lệch do bán điện ở các khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo thấp hơn giá thành sản xuất kinh doanh điện của đơn vị điện lực. Thứ hai là cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cần phải đảm bảo giá điện sinh hoạt không cao hơn giá điện cho sản xuất và dịch vụ du lịch, tức là không lấy giá điện sinh hoạt để bù cho giá điện sản xuất và dịch vụ du lịch. Thứ ba là cần mạnh dạn đưa phần chi phí sử dụng (thực chất là chi phí sử dụng công suất) vào các bậc thang của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc như Hàn Quốc đang áp dụng.