Doanh nghiệp vận tải kêu than
Sau thời gian nghiên cứu, cập nhật các tính năng để hỗ trợ đăng kiểm thuận lợi, ứng dụng Trung tâm đăng kiểm (TTDK) của Cục Đăng kiểm vào giữa tháng 5 đã thông báo ra mắt tính năng đăng ký tài khoản doanh nghiệp (DN) nhằm hỗ trợ các công ty vận tải, nhà xe, garage/salon ô tô hoặc các DN có số lượng lớn phương tiện có thể đăng ký nhiều xe và đặt lịch đăng kiểm. Theo Cục Đăng kiểm, tính năng này giúp các DN dễ dàng đăng ký nhiều phương tiện và đặt lịch kiểm định, đồng thời cũng giúp DN quản lý số lượng xe và số lượng lịch hẹn đăng kiểm trong từng thời điểm.
Tuy nhiên, thực tế dù có đăng ký tài khoản DN hay tài khoản cá nhân thì tình hình ùn tắc trên app (ứng dụng) vẫn không hề thuyên giảm. Ông T., chủ DN vận tải ở TP.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết vẫn rất chật vật để đặt lịch đăng kiểm cho 6 chiếc xe tải vừa hết hạn đăng kiểm. Đăng ký qua app TTDK, ông T. nhận được số thứ tự kiểm định cho xe vào tháng 8, tức là 3 tháng nữa, không hề được ưu tiên. Cả 6 chiếc xe là cần câu cơm của gia đình phải “đắp chiếu” và nhiều lái xe, tài xế thuộc DN này phải thất nghiệp.
Không những thế, hợp đồng vận chuyển đã ký, xe không có để chạy, ông T. lo lắng khi sắp phải đối mặt với số tiền đền bù phá vỡ hợp đồng khổng lồ. Những ngày qua, ông T. cùng vợ phải chia nhau đến các trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM và các tỉnh lân cận để tìm cơ hội đăng kiểm sớm cho phương tiện nhưng vẫn chưa thành công.
Cục Đăng kiểm cho biết đến nay, tình trạng ùn tắc đăng kiểm tiếp tục gia tăng trở lại tại 177 trên tổng số 215 trung tâm đăng kiểm (TTĐK) đang hoạt động của 40/63 tỉnh, TP (chiếm 63%). Nhiều TTĐK tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu đóng cửa không hoạt động, gây áp lực quá tải số lượng lên các TTĐK còn lại. Tình trạng ùn tắc tại các TTĐK vẫn gia tăng do số lượng phương tiện
ô tô đến hạn kiểm định quá nhiều, trong khi thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực đăng kiểm viên, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM hiện chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu kiểm định của người dân, DN.
Trả lời Thanh Niên ngày 24.5, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải Bình Dương, cho biết: “Rất nhiều DN vận tải đang gửi kiến nghị cho hiệp hội để “kêu cứu” vì tình trạng đăng kiểm hiện nay vẫn hết sức bế tắc. Theo các DN, việc bốc số lấy phiếu lịch hẹn ngày kiểm định bằng thủ công các trạm đăng kiểm thông báo không cấp phiếu lịch hẹn với lý do đã cấp đến hết tháng 9.2023. Việc bốc số lấy phiếu lịch hẹn ngày kiểm định bằng app, website cũng không được vì hệ thống thông báo đã đầy”.
Một DN kinh doanh xe container tại Bình Dương than thở: “Hiện nay lịch hẹn ở các trung tâm đăng kiểm đã kín hết tháng 7.2023. Dù DN đã chủ động đăng ký trước 15 – 30 ngày cho phương tiện tới hạn đăng kiểm, nhưng ứng dụng TTDK thường xuyên quá tải, bị lỗi kết nối gây khó khăn, mất thời gian. Khi DN đăng ký kiểm định thành công qua app thì sau đó tự động bị hủy vì chưa điền đầy đủ thông tin, nhưng lại không thông báo hủy qua điện thoại hoặc email để kịp thời điều chỉnh. Một hạn chế nữa là danh mục phương tiện được định dạng trên ứng dụng TTDK lại tách riêng xe đầu kéo và rơ moóc, trong khi hai phương tiện này tuy khác nhau nhưng là bộ phận không thể tách rời”.
Xe nằm bãi vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ
Theo khảo sát ý kiến từ nhiều DN vận tải, hiện nay các danh mục kiểm định quá rườm rà, phức tạp, từ đó dẫn đến việc tỷ lệ trượt đăng kiểm rất lớn và mất thời gian khắc phục, sửa chữa để đăng kiểm lại.
Đại diện Hiệp hội Vận tải Bình Dương kiến nghị: “Các hạng mục nào hư hỏng, khiếm khuyết ảnh hưởng đến chức năng hoạt động, an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường… thì cần đăng kiểm. Còn hiện nay quá nhiều tiêu chí khắt khe nhưng không có tác động nguy hại, mất an toàn kỹ thuật, ảnh hưởng chức năng hoạt động của phương tiện, gây lãng phí thời gian, công sức của DN, cá nhân. Ví dụ như lỗi “số khung không đúng vị trí”, việc đóng số khung cho phương tiện là do nhà sản xuất và cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, DN sử dụng không can thiệp vào phần số khung của phương tiện. Màu sơn của phương tiện vận tải qua thời gian sử dụng vận chuyển, lưu thông khó tránh khỏi phai nhạt, nhưng màu sơn thì không ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của phương tiện”.
Giải pháp hữu hiệu
Hiệp hội Vận tải ô tô VN đã kiến nghị cơ quan quản lý cho phép các xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi được tự động giãn chu kỳ kiểm định, bởi đây là giải pháp hiệu quả nhất để hạ nhiệt tình trạng quá tải kiểm định hiện nay. Giải pháp này được hầu hết DN, cá nhân đồng tình vì giảm được lượng xe cá nhân không phải đến trung tâm đăng kiểm để kiểm định, sẽ tạo điều kiện cho xe kinh doanh vận tải được kiểm định sớm hơn, từ đó tháo gỡ khó khăn cho các DN, giảm thiệt hại về kinh tế.
Một thành viên Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM cũng kiến nghị: “Các trung tâm đăng kiểm nên có khu vực dành riêng cho phương tiện cần khắc phục những khiếm khuyết, hỏng hóc nhỏ như áp suất lốp, áp suất phanh, đèn, điện, tránh mất thời gian xếp hàng lại vì phải ra ngoài khắc phục. Trong quá trình đăng kiểm cần thông báo cụ thể một lần danh mục khiếm khuyết, hư hỏng cần khắc phục. Hiện nay có rất nhiều trường hợp khắc phục khiếm khuyết cũ lại phát sinh khiếm khuyết mới, phải xếp hàng ra vào đến 5 – 6 lần mới đạt, gây mất thời gian và chi phí cho DN”.
Một trong những bức xúc, thắc mắc của các chủ xe, DN, HTX hiện nay là phí bảo trì đường bộ. Anh Minh Long, chủ một công ty kinh doanh vận tải tại Bà Rịa-Vũng Tàu, phản ánh: “Việc kiểm định phương tiện chậm trễ gây thiệt hại rất lớn cho DN vận tải. Khả năng mất các hợp đồng vận chuyển, uy tín, hiệu quả kinh doanh nhưng phải gồng gánh nhiều chi phí sửa chữa, nhân công, bến bãi và lãi suất ngân hàng… Một điều vô lý hơn là trong thời gian chờ đăng kiểm mất vài tháng, xe không được phép hoạt động kinh doanh vận tải nhưng vẫn bị thu phí bảo trì đường bộ theo đúng thời hạn ở chu kỳ cũ, như vậy rất thiệt thòi cho DN và chúng tôi kiến nghị không thu phí bảo trì đường bộ cho đến khi xe được phép lưu hành, hay nói cách khác là điều chỉnh thời điểm thu phí bảo trì đường bộ ngay khi việc đăng kiểm hoàn thành”.