Trên đây là nhận xét của PGS.TS Nguyễn Văn Khánh, giảng viên cao cấp Trường Đại học sư phạm Hà Nội, thành viên ban phát triển chương trình phổ thông 2018; Chủ biên chương trình môn Vật lý, về đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT 2018.
Không phải học sinh nào cũng được “luyện” thi riêng
– Là thành viên của Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018, ông có nhận xét gì về đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 do Bộ GD&ĐT vừa công bố?
Về cơ bản, đề tham khảo mà Bộ GD&ĐT mới công bố đáp ứng yêu cầu đánh giá theo chương trình giáo dục phổ thông 2028 (CT GDPT 2018).
Các đề này cũng đáp ứng yêu cầu của NQ số 29-TW-4-11-2013 về đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Đặc biệt, các đề vừa công bố, góp phần điều chỉnh việc dạy học ở trường phổ thông, góp phần củng cố vị thế của nhà giáo.
Cụ thể, kỳ thi tốt nghiệp THPT có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn xã hội. Nếu kết quả kỳ thi này đáp ứng được yêu cầu đổi mới, thí sinh có thể vào được các trường đại học bằng điểm xét tuyển kỳ thi tốt nghiệp THPT, thay vì vừa học theo chương trình giáo dục phổ thông, vừa ôn luyện theo các kỳ thi riêng.
Thứ hai, một khi đề thi tốt, sẽ đảm bảo công bằng giáo dục bởi lẽ không phải học sinh nào cũng có điều kiện thời gian và kinh tế để vừa học theo chương trình giáo dục phổ thông vừa luyện theo các nội dung các kỳ thi khác (kỳ thi riêng của các trường đại học- PV).
Thứ ba, đề thi phân hóa mạnh là cơ sở quan trọng để các cơ sở giáo dục đại học tin cậy sử dụng trong mục đích tuyển sinh. Điều này chính là trao cho thầy cô quyền dạy để giúp học sinh của mình có cơ hội đỗ đạt vào các trường đại học mà không phải qua kỳ thi nào khác.
– Nhiều người cho rằng, đề tham khảo lần này là sự đột phá hoàn toàn mới, gần như “đập đi làm lại”. Ông đánh giá ra sao về điều này?
Nhận xét trên chứng tỏ đề thi tham khảo mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra có thành công nhất định.
Tất nhiên, đây mới là đánh giá chủ quan, để đánh giá đề thi một cách khoa học, khách quan không chỉ dựa trên cảm nhận mà phải dựa trên các cơ sở của khoa học kiểm tra đánh giá.
Đề thi sau khi được biên soạn bởi một hệ thống chuyên gia phải được thử nghiệm với các đối tượng học sinh thích hợp. Sau đó, các phần mềm chuyên dụng giúp người ta đưa ra các kết quả về “độ khó”, “độ phân biệt”, … một cách khách quan của câu hỏi thi sau thử nghiệm.
Đề thi “hay lạ”, giảm đoán mò
– Vậy theo ông, đề thi của Bộ GD&ĐT đã đáp ứng được về cả cảm tính và khoa học?
Theo các thông tin mà tôi có được, các đề tham khảo mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, là những đề thi đã trải qua các công đoạn thử nghiệm và đánh giá trên một số đối tượng học sinh.
Sau khi phân tích phổ điểm sau thử nghiệm, các đề này đã được điều chỉnh để có độ khó phù hợp cho kỳ thi tốt nghiệp THPT theo yêu cầu của CT GDPT 2018.
Có lẽ, một trong những lý do làm nhiều người đánh giá đề “hay lạ” bởi các đề tham khảo vừa công bố có cấu trúc định dạng câu hỏi nhiều lựa chọn quen thuộc, có thêm dạng câu hỏi đúng/sai và trả lời ngắn.
Ngoài ra, do nhiều năm chú trọng vào việc rèn luyện các câu hỏi thiên về tính toán nên các đề tham khảo vừa công bố đã giảm bớt số câu hỏi yêu cầu tính toán phức tạp, tạo cho chúng ta cảm giác đề có vẻ “hay” và “lạ”.
– Từ 2025, việc thi tốt nghiệp THPT phải đảm bảo đánh giá năng lực theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, dư luận lo lắng và mơ hồ khi chưa hiểu “đánh giá năng lực là gì”, thưa ông?
Bất kỳ một quá trình giáo dục nào cũng đều nhằm tạo ra những biến đổi của người học theo mục tiêu giáo dục. Muốn biết những biến đổi đó đạt đến mức độ nào, tức là người học đạt được năng lực như thế nào, phải đánh giá được hành vi của người học trong một tình huống cụ thể.
Để chứng minh người học có năng lực ở một mức độ nào đó, phải tạo cơ hội cho họ được giải quyết vấn đề trong những tình huống cụ thể. Khi đó, thông qua việc hoàn thành nhiệm vụ trong một bối cảnh có ý nghĩa, có thể đồng thời đánh giá được cả mức độ nhận thức, kỹ năng thực hiện và những giá trị, tình cảm của người học.
Đối với học sinh, trong câu hỏi thi ở kì thi tốt nghiệp THPT, bối cảnh có ý nghĩa được hiểu là: Hoàn cảnh (ngữ liệu + lệnh hỏi) có tác dụng hoặc có giá trị nhất định đến thực tiễn và/hoặc khoa học.
– Vậy theo ông, từ năm 2025, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT khác gì so với trước đó?
Từ năm 2025, nhằm đánh giá tốt hơn năng lực người học, giảm xác suất đoán mò ở các câu hỏi thi, kì thi tốt nghiệp THPT có sự thay đổi về định dạng đề thi.
Theo quyết định của Bộ GD&ĐT hồi tháng 3 vừa qua, trừ các môn ngoại ngữ, cấu trúc đề thi các môn thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan có ba phần.
Phần I gồm các câu hỏi nhiều lựa chọn (multiple choice item) quen thuộc; Phần II gồm các câu hỏi đúng/sai (yes/no item) và Phần III là các câu hỏi có câu trả lời ngắn (short answer item).
Đề tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 mà Bộ GD&ĐT công bố ngày 18/10/2024 đã có cấu trúc theo định dạng này.
– Xin trân trọng cảm ơn ông!
“Việc đánh giá năng lực người học không phải chỉ được thực hiện qua các kỳ thi mà phải kết hợp đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết; đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ.
Trong đánh giá, phải phối hợp một cách hợp lí việc đánh giá của giáo viên với đánh giá đồng đẳng và tự đánh giá của học sinh; đánh giá qua quan sát hoạt động nhóm ở trong và ngoài lớp học, quan sát thao tác thực hành, thí nghiệm, phân tích các bài thuyết trình; đánh giá qua vấn đáp, qua bài tập, bài kiểm tra, vở ghi chép, bản báo cáo kết quả thực hành, kết quả dự án học tập, kết quả đề tài nghiên cứu khoa học và các hồ sơ học tập khác. Đặc biệt, cần kết hợp đánh giá theo hình thức tự luận với trắc nghiệm khách quan một cách hợp lý”.
PGS.TS Nguyễn Văn Khánh
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/de-thi-tham-khao-tot-nghiep-thpt-2025-hay-la-20241021085840224.htm