Năm 2020 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” trong đó xác định vai trò trồng và bảo vệ rừng của các cấp chính quyền, cộng đồng dân cư là vô cùng quan trọng.
Sơ kết 3 năm thực hiện đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, bên cạnh những địa phương thực hiện đạt kết quả cao, có nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã hưởng ứng đề án thông qua xây dựng các chương trình, các quỹ để kêu gọi tiếp nhận và triển khai trồng rừng, trồng cây.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng cây trồng theo Đề án “Trồng một tỷ cây xanh” giai đoạn 2021-2025 tuy đạt được tương đối lớn, nhưng việc trồng cây cũng đang gặp không ít khó khăn. Đó là, quỹ đất trồng rừng mới ngày càng thu hẹp; vốn đầu tư phân bổ cho phát triển rừng hàng năm còn chậm so với yêu cầu, mức hỗ trợ trồng cây phân tán và trồng rừng còn thấp so với thực tiễn; diện tích đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị hiện nay mới chiếm tỷ lệ khoảng 1,2%, thấp hơn nhiều so với các quy chuẩn về quy hoạch đô thị đặt ra.
Trong giai đoạn 2024-2025 đề án tiếp tục đặt ra mục tiêu trồng trên 275 triệu cây xanh, 98.210ha rừng tương đương với hơn 216 triệu cây. Theo đó, Tết Trồng cây Xuân Ất Tỵ 2025 sẽ khởi đầu cho quyết tâm cả nước hiện thực mục tiêu về số lượng cây xanh và diện tích rừng trồng mới trong năm cuối cùng của giai đoạn này.
Phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ 2025, tỉnh Thanh Hóa đặt ra mục tiêu trồng trên 3 triệu cây xanh, cao hơn 2 lần so với kết quả thực hiện năm 2020. Đây là con số có tính phấn đấu rất cao, vì thế cũng đòi hỏi một trách nhiệm cao hơn và những giải pháp linh hoạt đi kèm.
Qua những tết trồng cây gần đây trên địa bàn cả nước cho thấy, dù có thêm hàng trăm triệu cây xanh được trồng, nhưng diện tích rừng tái sinh, số cây che bóng mát, cây tạo cảnh quan, điều hòa môi trường vẫn chưa như mong đợi. Bởi cây sau khi được trồng còn phải chăm sóc mới đảm bảo được sự sinh trưởng, mà điều đó thì không phải lúc nào, địa bàn dân cư nào cũng đảm bảo được.
Tinh thần trồng cây là rất cần và việc đặt ra các mục tiêu để phấn đấu cũng hết sức quan trọng. Thế nhưng, chừng mực nào đó, việc trồng cây không nhất thiết phải chạy theo thành tích. Điều cần là trồng cây phải gắn liền với sự phát triển của cây, vì một tương lai Việt Nam xanh, vì sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp. Chúng ta nhìn thấy những năm gần đây một số đơn vị, doanh nghiệp đã hưởng ứng việc trồng cây bằng những slogan khá hay, số lượng người tham gia lớn. Tuy nhiên hiệu quả của phong trào vẫn là điều cần bàn.
Để cây lớn thành rừng và “Rừng sẽ lên xanh/ Rừng giữ đất quê hương” như những ca từ rất hay trong ca khúc “Một đời người một rừng cây” đòi hỏi các đơn vị, địa phương phải có thái độ thật sự nghiêm túc, linh hoạt trong việc trồng cây. Nếu cây trồng bị chết thì phải trồng bổ sung, trồng cây phải gắn với chăm sóc, theo dõi cây sinh trưởng.
Mục tiêu đặt ra là mỗi cán bộ, mỗi hộ dân trồng ít nhất 1 cây, thực hiện thắng lợi phong trào thi đua “Người người trồng cây, nhà nhà trồng cây, toàn dân trồng cây, trồng rừng”, nhưng dứt khoát không trồng cây một cách tràn lan, hình thức gây tốn kém, lãng phí. Chỉ khi nào việc trồng cây và bảo vệ cây đã trồng trở thành việc làm thực sự nghiêm túc, nhu cầu tự thân ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, chúng ta mới chấm dứt được tình trạng trồng cây trên giấy, rừng mới thực sự lên xanh để giữ đất quê hương.
Thái Minh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/de-rung-se-len-xanh-rung-giu-dat-que-huong-238643.htm
Bình luận (0)