Hoán đổi một số ngày trong tuần để những kỳ nghỉ lễ trong năm kéo dài hơn là một tác động nhân tạo nhằm kích thích nền kinh tế. Theo đó, những kỳ nghỉ lễ rơi vào cuối tuần sẽ có thêm ngày nghỉ vào thứ hai và thứ ba hoán đổi vào để có thể có cả một kỳ nghỉ dài. Mục đích của việc này là khuyến khích các gia đình và các nhóm xã hội đi du lịch, tăng chi tiêu cá nhân và tập thể.
Lợi ích từ chính sách này rất lớn khi đem đến khoản thu tăng vọt cho du lịch nội địa. Những đợt nghỉ lễ dài ngày với nhiều doanh nghiệp, cơ sở du lịch nhỏ lẻ thậm chí là trụ cột trong doanh thu cả năm. Các hãng bay và dịch vụ vận chuyển nói chung cũng sẽ được hưởng lợi khi lượng người đi lại tăng gầp nhiều lần ngày thường.
Những kỳ nghỉ lễ kéo dài sẽ mang đến những tác động tích cực nhưng đồng thời cũng là những điểm hạn chế. |
Từ các đợt nghỉ lễ này, người lao động cũng sẽ có một quỹ thời gian đủ dài để lên kế hoạch cho chuyến đi xa, du lịch hoặc về thăm gia đình.
Nhiều cuộc khảo sát cho thấy, mức độ đồng tình cao của người lao động với một kỳ nghỉ lễ dài ngày. Đa số cho rằng đã cải thiện được tinh thần và tái tạo sức lao động sau những ngày làm việc căng thẳng, vất vả. Qua những kỳ nghỉ, các thành viên trong gia đình cũng có cơ hội gần gũi, gắn kết hơn thông qua những hoạt động chung.
Nhìn vào những hạn chế
Những lợi ích mang lại là không thể phủ nhận nhưng cũng cần nhìn nhận những mặt hạn chế của chính sách này để có thể có những nhận định khách quan.
Nhu cầu đi lại lớn và đột ngột vừa là lợi ích nhưng cũng là áp lực với giá cả dịch vụ, giao thông và các cơ sở du lịch vào mỗi dịp lễ. Ở Vũng Tàu, Nha Trang hay Đà Lạt thường bắt gặp cảnh dòng người chen chúc trong cái nắng oi bức, cố tìm cho mình một chỗ nghỉ chân, chụp ảnh kỉ niệm. Tình huống thường gặp như vậy vô tình biến một kỳ nghỉ thư giãn thành một kỳ “hành xác” đối với du khách.
Giao thông cũng sẽ là trở ngại lớn khi lượng người và phương tiện đổ dồn về một điểm khiến mọi thứ trở nên đình trệ. Cảm xúc mệt mỏi sẽ là khó tránh khỏi.
Đối với những người quyết định “xách va ly lên và đi” là thế, còn những người ở nhà, lo lắng và suy nghĩ nhất có lẽ là chủ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có giao thương với nước ngoài.
Đã có nhiều than phiền từ các doanh nghiệp vì áp lực giao đơn hàng và đặc biệt là chi trả lương cho người lao động trong tình cảnh kinh tế khó khăn. Ngoài ra, theo các đơn vị này, nghỉ lễ dài ngày dẫn đến khâu kiểm tra chất lượng, chứng nhận sản phẩm, giấy kiểm dịch,… cũng bị ảnh hưởng. Những ngày nghỉ dài cũng khiến phí lưu kho, phí lưu container, lưu bãi ngoài cảng, chi phí điện… gia tăng đáng kể. Giao dịch ngân hàng, một phần quan trọng cũng vào thế khó vì các ngân hàng cũng nghỉ lễ.
Còn ở góc nhìn với người lao đông, việc bắt nhịp lại với công việc sau thời gian tạm ngưng cũng sẽ là thử thách. Đặc biệt với các đơn vị có giao dịch với nước ngoài. Các đối tác sẽ rất khó thông cảm nếu công ty không kịp tổng hợp xử lý một lượng lớn thông tin, tài liệu, hợp đồng,…dồn ứ từ những ngày nghỉ. Cảm giác mệt mỏi, uể oải rất có thể sẽ trở lại sau kỳ nghỉ nếu không thể khéo léo xử lý.
Giải pháp là gì?
Những năm qua, việc đưa vấn đề nghỉ lễ ra lấy ý kiến được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các bộ ngành liên quan thực hiện liên tục. Điều này thể hiện tinh thần thận trọng và lắng nghe ý kiến người dân.
Thực tế để nhận định như thế nào là nghỉ nhiều cũng rất khó vì trên thế giới có nhiều quốc gia có số ngày nghỉ lễ trong năm nhiều hơn Việt Nam rất nhiều.
Từ năm 2021, Việt Nam chỉ có tổng số ngày nghỉ lễ trong năm là 11. Trong khi đó Nhật Bản, một quốc gia phát triển lại có tới 15 ngày nghỉ. Nhật Bản thậm chí còn có một đợt nghỉ lễ kéo dài liên tiếp tới 10 ngày. Ở Trung Quốc tổng số ngày nghỉ lễ chính thức tới 25 ngày.
Ở góc nhìn cá nhân của người viết cho rằng, số ngày nghỉ lễ của Việt Nam không phải quá dài cũng không phải quá ngắn. Những kỳ nghỉ có cả mặt lợi và mặt hại. Tuy nhiên nếu biết phát huy những mặt lợi và hạn chế những mặt hại, chắc chắn sẽ biến nghỉ lễ thành những ngày tuyệt vời nhất trong năm với đa số người dân.
Để làm được việc này, thứ nhất cần có sự quy hoạch bài bản và khoa học. Cơ quan quản lý cần lên kế hoạch cụ thể cho từng kỳ nghỉ lễ, bao gồm việc dự đoán lượng khách du lịch, nhu cầu về dịch vụ, giao thông,… để từ đó có kế hoạch phân luồng giao thông hợp lý, tránh tình trạng ùn tắc giao thông.
Ngoài ra đối với những ngành đặc biệt cần ưu tiên cũng cần có chính sách linh hoạt đáp ứng nhu cầu thiết yếu của họ trong dịp nghỉ lễ. Cũng cần điều phối hợp lý hoạt động của các cơ quan hành chính, doanh nghiệp để đảm bảo hoạt động bình thường sau kỳ nghỉ lễ.
Đối với các cơ sở du lịch và địa phương phát triển du lịch, cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch sau từng năm. Đồng thời phải kiểm soát giá cả dịch vụ, tránh tình trạng “chặt chém giá” du khách.
Đối với mỗi cá nhân người dân, cũng cần nhìn nhận rõ, những kỳ nghỉ kéo dài không nhất thiết phải dẫn đến hệ quả là một chuyến du lịch đắt đỏ, xa hoa. Nếu điều kiện kinh tế không dư dả có thể tìm đến những lựa chọn tốt hơn như tổ chức những buổi ăn uống vui vẻ tại nhà hoặc khám phá các địa điểm du lịch mới, không tốn quá nhiều chi phí.
Mỗi người cũng nên tìm cách kết nối với công việc ở những thời gian nhất định để đảm bảo tiến độ. Khi quay trở lại sau kỳ nghỉ mọi thứ cũng sẽ không trở nên quá dồn ứ, gây nên cảm giác mệt mỏi không đáng có.