Người sẵn sàng chi tiền triệu
Với 200 gốc mai lớn nhỏ, anh Trương Minh Hiển (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đang tất bật chăm sóc vườn mai của gia đình. Theo đó, để vườn mai kịp nở hoa, phục vụ dịp Tết năm nay, bên cạnh các thành viên trong gia đình, anh phải thuê thêm nhân công phụ giúp.
“Bắt đầu từ 12 tháng Chạp tôi sẽ thuê thêm nhân công để phụ lặt lá mai, bởi nếu không thuê, chỉ các thành viên trong gia đình lặt sẽ không kịp, ảnh hưởng đến thời vụ hoa. Sau đó, tôi còn thuê các nghệ nhân về uốn tạo dáng cho cây. Trong vòng 3 – 4 ngày sau khi lặt là thời điểm thích hợp để uốn cây. Một khi qua thời gian này, cây ra chồi sẽ rất khó làm. Chưa hết, qua Tết, với những cây chưa bán được mình cũng phải thuê người lặt trái mai để đảm bảo mai không bị suy cây”, anh Hiển nói.
Anh Hiển nhẩm tính, chi phí thuê nhân công để chăm sóc vườn mai của gia đình mỗi mùa Tết khoảng từ 40 triệu đồng gồm: lặt lá, uốn mai, lặt trái,… Dù vậy, theo anh Hiển, đây là khoản tiền phải bỏ ra bởi công đoạn nào cũng phải làm trong khoảng thời gian nhất định, nếu trễ cây mai sẽ không đẹp.
Theo đó, lực lượng nhân công chủ yếu là người dân trong khu vực: “Nhân công được thuê là các cô, chú, anh, chị trong xóm. Hầu hết mọi người làm quen nên ai cũng lành nghề. Lặt lá và trái mai có giá thuê bằng nhau là 250.000 đồng/người/ngày, riêng uốn tạo dáng cho cây thì khoảng 500.000 – 600.000 đồng/người/ngày”.
Người cắt giảm chi phí
Kinh tế khó khăn, anh Lê Thành Vũ (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) chọn cách cắt giảm chi phí thuê nhân công. Theo đó, các công việc từ lặt lá, uốn mai, lặt trái,… đều được các thành viên trong gia đình chia nhau ra làm.
“Từ 12 tháng Chạp tôi và gia đình đã bắt đầu lặt lá mai. Năm nay, sức mua giảm sút, đến giờ vườn tôi vẫn chưa bán được cây nào nên không dám bỏ tiền ra thuê nhân công lặt lá. Bởi tôi lo nếu chi phí thuê cao sẽ không có vốn trả cho nhân công. Kể cả uốn mai, lặt trái tôi dự định cũng sẽ tự làm để tiết kiệm tiền”, anh Vũ chia sẻ.
Ông Bùi Thanh Đạm (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, từ khoảng tháng 10 âm lịch, người dân ở làng mai vàng Phước Định đã bắt đầu dọn cỏ, rác trong vườn. Sau đó, khoảng 12 – 13 tháng Chạp, mọi người sẽ lặt lá, cả làng mai nhộn nhịp hẳn lên. Riêng năm nay, do tình hình kinh tế gặp khó, số lượng mai bán ra giảm đi nên không khí cũng trầm lắng hơn.
“Mọi năm, những hộ trồng nhiều sẽ thuê nhân công phụ giúp để hoa nở kịp Tết, bán ra thị trường. Nhưng tình hình hiện tại mai không bán được, bị ép giá nên có người đã cắt giảm khoản này. Dù có mướn cũng chỉ tìm số lượng ít, không bằng mọi năm. Riêng nhà tôi đành lấy công làm lời, mọi công việc đều do tôi cùng các thành viên trong gia đình làm tất”, ông Đạm bộc bạch.
Hiện tại, các nhà vườn đều đang tất bật với những công việc chăm sóc cuối cùng để đảm bảo hoa nở đúng hẹn, phục vụ người dân chơi Tết. Theo đó, tất cả đều hy vọng những ngày cận Tết này sức mua sẽ được cải thiện để gia đình ăn Tết sung túc.