Bộ GD-ĐT có nhiều thông tư liên quan đến việc khen thưởng cuối năm học và danh hiệu thi đua.
Theo Thông tư 22 năm 2021 của Bộ GD-ĐT, danh hiệu “học sinh giỏi” bậc THCS và THPT dành cho những em có kết quả rèn luyện và học tập cả năm học ở mức tốt (điểm trung bình từ 6,5 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt từ 8,0 điểm trở lên). Còn “học sinh xuất sắc” thì có ít nhất 6 môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn đạt từ 9,0 trở lên.
Riêng đối với học sinh lớp 8,9,11,12, thực hiện chương trình giáo dục 2006, việc đánh giá, xếp loại học sinh là căn cứ vào Thông tư 58 năm 2011 và Thông tư 26 năm 2020 của Bộ GD-ĐT.
Là giáo viên có 37 năm giảng dạy ở trường THCS, tôi xin lý giải vì sao danh hiệu thi đua đang tạo áp lực cho học sinh.
Thi đua và thành tích
Thực tế cho thấy giáo viên chủ nhiệm muốn lớp có nhiều học sinh giỏi, xuất sắc để được ban giám hiệu khen là lớp tiên tiến.
Với giáo viên bộ môn, được đánh giá dạy giỏi, tay nghề vững vàng, tâm huyết là tiêu chí để xem xét thi đua cuối năm về chất lượng bộ môn.
Hiệu trưởng thì luôn muốn trường đạt nhiều học sinh giỏi để cuối năm đưa vào tiêu chí xếp loại danh hiệu trường tiên tiến, xuất sắc của huyện, thành phố hay cấp tỉnh.
Vì vậy, nhiều thầy cô là “chủ nợ” điểm của học sinh. Khi kiểm tra bài cũ, học sinh không chuẩn bị bài, thay vì cho điểm kém nhưng do lo chất lượng cuối năm nên nhiều giáo viên để cho các em “được nợ” khi khác kiểm tra lại. Đôi lúc cũng vì tình cảm thương học trò nên giáo viên chấm điểm kiểm tra chưa thật nghiêm túc, chặt chẽ.
Trước khi kiểm tra định kỳ (giữa kỳ và cuối kỳ), cũng vì lo chất lượng bộ môn, thầy cô cho đề cương và ôn thật sát đề với phương châm “ôn sao ra vậy” nên hầu hết học sinh đều đạt điểm cao.
Thậm chí, một số thầy cô còn nói: “Để học sinh bị điểm dưới trung bình là có tội, rồi cho kiểm tra lại rất vất vả. Thôi không đánh đố học sinh làm gì”.
Hoặc cuối năm, có trường hợp giáo viên chủ nhiệm cũng vì thương học trò mình nên đi “xin điểm” giáo viên bộ môn để đạt danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc vì chỉ còn thiếu 0,1 hay 0,2… mới đủ 8,0 điểm.
Ngoài ra, nhiều trường còn quy định nếu 2/3 học sinh trong lớp có kết quả bài kiểm tra dưới điểm trung bình thì giáo viên báo cáo ban giám hiệu để kiểm tra lại nhằm có điểm số đẹp hơn.
Những việc làm kể trên là nguyên nhân góp phần làm lạm phát học sinh giỏi.
Nên bỏ chỉ tiêu về danh hiệu học sinh giỏi
Tình trạng lạm phát học sinh giỏi cũng xuất phát từ quy chế đánh giá, xếp loại theo Thông tư 58.
Cụ thể, theo Điều 13, Thông tư 58, điều kiện đạt danh hiệu học sinh giỏi gồm: điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên (trong đó điểm trung bình của 1 trong 3 môn toán, ngữ văn, tiếng Anh từ 8,0 trở lên); không có môn học nào điểm trung bình dưới 6,5; các môn học đánh giá bằng nhận xét xếp loại đạt.
Như vậy, học sinh chỉ cần siêng học bài các môn: sử, địa lý, giáo dục công dân để “bù” cho những môn khó toán, văn, tiếng Anh nên dễ đạt điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên
Trước thực trạng đó, các thông tư về đánh giá học sinh áp dụng đối với lớp 8, 9, 11 và 12 là không còn phù hợp.
Bên cạnh đó, không ít học sinh thiếu trung thực trong kiểm tra để có được điểm số càng cao càng tốt nhằm đối phó thầy cô, cha mẹ. Do đó, phụ huynh đừng xem điểm số là thước đo năng lực của con em mình.
Với mong muốn con đạt được thành tích học giỏi, xuất sắc, nhiều phụ huynh đua nhau cho con học thêm với thầy cô dạy chính khóa trên lớp. Họ hy vọng con em mình sẽ được thầy cô chú ý đến trên lớp để có được sự chiếu cố, điểm số cao.
Tất cả những điều kể trên đã tạo áp lực cho học sinh cũng vì danh hiệu thi đua. Vì vậy, các nhà trường nên bỏ chỉ tiêu, thành tích, chất lượng bộ môn.
Ngoài ra, điều quan trọng là thầy cô cần thực hiện đúng phương châm “dạy thật-học thật-thi thật-chất lượng thật” để để danh hiệu thi đua không tạo áp lực cho học sinh.