Sự hứng khởi từ các đơn vị báo chí trong khu vực
Trong các ngày từ 6 – 9/12/2023, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” tại Hà Nội.
Hội thảo là một diễn đàn mở để thảo luận các vấn đề lý thuyết, chia sẻ tình hình, tiến trình và các gợi mở phương pháp, giải pháp chuyển đổi số trong báo chí truyền thông tại Việt Nam và các quốc gia thuộc khu vực ASEAN.
Nói về ý tưởng thực hiện Hội thảo, ông Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, tại Hội nghị liên đoàn Nhà báo ASEAN năm 2022, đề xuất tổ chức một cuộc hội thảo về vấn đề hết sức thời sự là chuyển đổi số trong hoạt động báo chí từ phía đoàn Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của các đoàn báo chí trong khu vực ASEAN.
Theo ông Nguyễn Đức Lợi, năm 2023, hoạt động báo chí nói chung mặc dù gặp nhiều khó khăn ở nhiều vấn đề đặc biệt là kinh tế, để tổ chức một sự kiện mang tầm quốc tế, mang tầm khu vực được coi là sự kiện lớn nhất sau đại dịch Covid19 là sự nỗ lực của các đơn vị chuyên môn trong Hội Nhà báo Việt Nam, quyết tâm của lãnh đạo Hội và được sự đồng ý ủng hộ của các quan chức năng như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Ban Đối ngoại Trung ương.
Ông Nguyễn Đức Lợi cho biết, mặc dù đã gửi lời mới đến 10 tổ chức báo chí trong khu vực ASEAN nhưng vì một số lý do khách quan 3 đất nước không cử đoàn đại biểu tham dự được. Tuy nhiên, với sự hiện diện của 7 đoàn nhà báo ASEAN đã thể hiện đây là một sự kiện lớn và quan trọng.
“Sự kết nối với các đoàn báo chí trong khu vực diễn ra rất thuận lợi, nhận được sự hưởng ứng cao, các đoàn nhà báo đều chuẩn bị các nội dung tham luận gửi tới Hội thảo. Trong các cuộc tiếp xúc gần đây với tổ chức các nước, chúng tôi nhận thấy sự hứng khởi rất lớn từ các tổ chức này liên quan đến việc tham gia Hội thảo”, ông Nguyễn Đức Lợi chia sẻ.
Nguồn lực vẫn là thách thức lớn nhất
Có thể nói, các quốc gia trên toàn thế giới đang đối mặt với vô số cơ hội và thách thức khi chuyển đổi kỹ thuật số đã định hình lại mọi hoạt động của đời sống xã hội; ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và thói quen làm việc hàng ngày. Xu hướng tất yếu này thể hiện bước đột phá to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội và con người.
Trong bối cảnh đó, báo chí truyền thông không thể đứng ngoài cuộc; chuyển đổi kỹ thuật số của phương tiện truyền thông không chỉ là vấn đề sống còn, nó là điều cần thiết cho sự sống và phát triển của các cơ quan báo chí, tổ chức truyền thông và người làm báo.
Nhắc đến tầm quan trọng của việc xây dựng báo chí ASEAN trở thành khối thống nhất, ông Nguyễn Đức Lợi cho rằng, trong ASEAN có sự liên kết giữa 3 trụ cột, trụ cột về an ninh – chính trị, kinh tế và văn hoá. Trong đó, việc tổ chức Hội thảo báo chí của các nước ASEAN sẽ góp phần xây dựng 3 trụ cột này đặc biệt trong trụ cột văn hoá, thông tin báo chí.
“Việc tổ chức Hội thảo “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” báo chí sẽ giúp cho các cơ quan báo chí, các nhà báo trong ASEAN hiểu hơn và tham gia sâu hơn vào việc chuyển đổi số góp phần tạo nên một nền báo chí ASEAN phát triển mạnh mẽ hơn, cập nhật hơn những cách thức làm báo mới, thúc đẩy thông tin báo chí trong khu vực được lan toả mạnh hơn, tốt hơn.
Từ đó, góp phần cho sự thông hiểu lẫn nhau giữa công chúng, dân chúng ASEAN với tình hình kinh tế, văn hoá, xã hội của mỗi đất nước; tăng cường tình hữu nghị, hợp tác giữa các nước trong khu vực“, ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.
Về thách thức trong việc phát triển chuyển đổi số báo chí trong khu vực, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, khó khăn nhất vẫn là vấn đề nguồn lực. Chuyển đổi số là xu hướng, các quan báo chí trên thế giới đã bắt nhịp tương đối sớm, nhưng đối với các nước ASEAN trong một số cơ quan, đơn vị còn gặp nhiều khó khăn.
Trong đó nguồn nhân lực ở một số nước còn nhiều hạn chế, một số cơ quan báo chí còn chậm chạp, chưa nhận thức rõ được tầm quan trọng của vấn đề này.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Đức Lợi vấn đề tài lực cũng là thách thức rất lớn, khi chuyển đổi số đòi hỏi phải có kinh phí, có tài chính nhưng không phải cơ quan báo chí nào trong ASEAN cũng đáp ứng được điều kiện đó. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi báo chí gặp phải sự cạnh tranh “khốc liệt” từ các loại hình thông tin khác, nhất là mạng xã hội, các cơ quan báo chí càng gặp khó khăn hơn trong vấn đề tìm nguồn thu để tái đầu tư vào các nền tảng công nghệ đa thiết bị và đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ người làm báo. Đồng thời, sự ủng hộ từ phía Chính phủ và Nhà nước cho các cơ quan báo chí vẫn còn chưa đồng đều ở các nước trong khu vực.
Ông Nguyễn Đức Lợi kỳ vọng thông qua Hội thảo này, các nước ASEAN sẽ có chung một tầm nhận thức về sự quan trọng của chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, là dịp quan trọng để lãnh đạo các cơ quan báo chí, lãnh đạo các tổ chức Hội Nhà báo ở các nước ASEAN trao đổi kinh nghiệm về thực trạng, mức độ chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí ASEAN. cũng là dịp để các đơn vị tiếp cận những kiến thức mới.
“Trong Hội thảo này chúng tôi mời rất nhiều chuyên gia của các tập đoàn truyền thông lớn, các tập đoàn công nghệ lớn, để có dịp trao đổi kinh nghiệm thực tế với các cơ quan báo chí trong lĩnh vực chuyển đổi số”, ông Nguyễn Đức Lợi cho biết.
Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” có sự tham dự của 7 đoàn đại biểu quốc tế đến từ Liên đoàn báo chí ASEAN, gồm: Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore…
Về phía Việt Nam, đại biểu tham dự Hội thảo là đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo Trung ương, địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà báo và đông đảo hội viên Hội Nhà báo Việt Nam…
Hội thảo diễn ra theo 2 phiên. Phiên thứ nhất với nội dung “Lý luận chung về quản trị toà soạn số” diễn ra từ 08h30 đến 11h45 ngày 7/12/2023. Phiên thứ hai với nội dung “Quản trị toà soạn số: thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp” sẽ diễn ra từ 14h00 đến 17h00 ngày 7/12/2023.
Phan Hoà Giang