Cải cách tiền lương là điều mong mỏi
Khi thực hiện cải cách tiền lương, khu vực công sẽ không tính lương theo hệ số nữa mà có bảng chức vụ, chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị (bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp công lập) từ Trung ương đến cấp xã; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo và bảng lương đối với lực lượng vũ trang.
Đại biểu Nguyễn Tạo – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 là điều mong mỏi nhất đối với đội ngũ công chức, viên chức.
Đại biểu đặc biệt lưu ý, từ kinh nghiệm trước đây có thể thấy, những tiêu cực xã hội có nguyên nhân rất lớn là thu nhập không bảo đảm cho đời sống, dẫn đến những hành vi không chuẩn mực như tham nhũng vặt hay gây sách nhiễu.
“Khi tiến hành xử lý kỷ luật đã phát hiện một nguyên nhân lớn và hết sức quan trong liên quan đến thu nhập. Một sinh viên ra trường, với 6-7 năm của ngành y hay hơn 4 năm với một cử nhân các ngành bình thường ra, nhưng lương chỉ 3 triệu – 3,5 triệu đồng. Lương như vậy thì làm sao để sống tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM…”, ông Tạo chia sẻ.
Do đó, ông Tạo cho rằng cải cách tiền lương hướng tới lương, mức độ thưởng, mức độ phân công công việc đảm bảo công bằng. Từ đó, tạo ra sự công bằng trong thu nhập của những lao động cùng nhóm.
Điều này sẽ là một luồng chính sách tạo dựng sự an tâm rất lớn cho các cán bộ, công chức hiện nay. Đồng thời, các bộ máy Nhà nước sẽ tính đến việc tinh giản biên chế sao cho gọn nhẹ và phát huy từng cá nhân một. Từ đó, bảo đảm vị trí việc làm, đúng người đúng việc, đúng hưởng thụ.
Chính phủ đã có nguồn lực chuẩn bị cho cải cách tiền lương, khoảng 500.000 tỷ đồng, cho lộ trình từ nay đến năm 2030. Ngoài cải cách, điều này tạo ra một sân chơi rất công bằng để thu hút lực lượng lao động có trí tuệ.
Đề cập phụ cấp đặc thù, đại biểu Nguyễn Tạo nêu cụ thể, công chức, viên chức sẽ có 70% lương cứng, còn lại là 20% của chuyên trách chuyên ngành và 10% là khen thưởng.
“Chúng ta có ngành đặc thù và có phụ cấp. Ví dụ, chính tôi có phụ cấp của người làm nghị sĩ chuyên trách. Với những ngành đặc thù khác như bác sĩ y học hạt nhân, thì hàng ngày tiếp xúc như vậy phải có phụ cấp tương xứng với công việc. Hay những công việc phải thực hiện trong điều kiện khắc nghiệt thì những người đó phải có chế độ tương quan, phụ cấp độc hại… chứ không thể cào bằng phụ cấp. Như vậy, mới có thể đảm bảo công bằng”, ông Tạo cho hay.
Giảm giờ làm khu vực tư
Trao đổi thêm bên hàng lang Quốc hội, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, với mức lương tối thiểu vùng hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng được điều kiện khó khăn trong đời sống của người lao động khu vực tư so với phần trượt giá hiện nay.
Được biết, lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 đến nay đang được áp dụng theo 4 vùng gồm: Vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng; vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng.
“Vì vậy, tôi rất mong muốn Hội đồng tiền lương quốc gia sớm thương lượng trình Chính phủ tăng mức lương tối thiểu vùng cho người lao động, tốt nhất là thực hiện đồng thời với cải cách tiền lương ở khu vực công vào ngày 1/7/2024”, ông Nghĩa đề nghị.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng cho rằng, lương của người lao động ở khu vực tư hiện nay không áp dụng hệ số, tổng thu nhập của họ cũng không phải là cao trong khi chi phí cuộc sống của họ bị tác động từ yếu tố lạm phát thời gian qua.
Hơn nữa, khoảng thời gian từ lúc tăng lương tối thiểu vùng (2022) đến 1/7/2024 là khá dài. Trong khi trước đây lương tối thiểu vùng tăng đều hàng năm, chỉ trừ thời gian bị Covid-19.
Về giờ làm, ông Nghĩa cho hay, trong khu vực công từ năm 1999, Việt Nam đã cắt giờ làm nghỉ ngày thứ 7 còn 40 giờ, còn khu vực tư vẫn giữ nguyên 48 giờ. Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong 154 nước chỉ có 2 nước có số giờ làm việc trên 48 giờ một tuần; 1/3 nước áp dụng số giờ làm 48 giờ/tuần như Việt Nam; và 2/3 nước áp dụng dưới 48 giờ.
“Thời gian làm thêm ở Việt Nam cũng tương đối cao so với mặt bằng chung. Không có lý do gì mà đất nước phát triển mà lao động lại làm theo giờ”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Cải cách tiền lương chính là động lực tăng trưởng kinh tế
Trước đó, ngày 24/10, thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, để thực hiện chính sách cải cách tiền lương là sự nỗ lực vượt bậc của tất cả các cấp, các ngành. Nếu không, sẽ không thể có nguồn lực cho cải cách tiền lương.
Kỳ này Quốc hội chính thức thông qua chính sách cải cách tiền lương. Đây là điểm nhấn và là dấu ấn của Quốc hội kỳ này, vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thời sự, tạo tâm trạng vui và phấn khởi đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và trong xã hội.
“Cải cách tiền lương không những nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và gia đình của họ, mà còn một điều quan trọng nữa chính là nâng cao năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cải cách tiền lương chính là động lực tăng trưởng kinh tế. Bởi khi lương được nâng lên, sẽ tác động đến cung cầu…”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.