Là đại biểu Quốc hội trẻ khóa XV tham dự Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Ngọc Xuân kỳ vọng, thông qua Hội nghị này và Triển lãm “Khát vọng Việt Nam”, đây sẽ là cầu nối hữu ích để các nghị sĩ trẻ có thể trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, các giải pháp thích ứng linh hoạt sau đại dịch, từ đó đề ra các chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi về thể chế, môi trường, hạ tầng cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển.
Phóng viên: Là đại biểu Quốc hội trẻ khóa XV, đại biểu có thể chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình khi tham dự Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 cũng như Triển lãm “Khát vọng Việt Nam” trong khuôn khổ Hội nghị này?
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. Là đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam, tôi thấy rất ấn tượng và tự hào khi tham dự Triển lãm “Khát vọng Việt Nam” trong khuôn khổ Hội nghị này. Vì đây là dịp để bản thân tôi và các đại biểu được gặp gỡ và học tập kinh nghiệm, chia sẻ thông tin rất bổ ích từ chủ đề của Hội nghị là “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”.
Đây cũng là cơ hội rất lớn, cầu nối hữu ích để các nghị sĩ trẻ có thể trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, các giải pháp thích ứng linh hoạt sau đại dịch và biến động thị trường, từ đó đề ra các chiến lược để tạo môi trường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi về thể chế, môi trường, hạ tầng cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển.
Thông qua Hội nghị này, tôi cũng như nhiều đại biểu Quốc hội trẻ kỳ vọng, chúng tôi sẽ học hỏi, tích lũy thêm nhiều kiến thức, thông tin về nghị viện các nước, nghị sĩ trẻ các nước cũng như thanh niên các nước tham gia và đóng góp vai trò, tiếng nói của mình trong công tác lập pháp, trong việc kiến tạo, ứng dụng các thành tựu mới trên tất cả các lĩnh vực để trong quá trình phát triển tạo ra giá trị bền vững cho thế hệ hôm nay, mai sau và cho toàn cầu.
Phóng viên: Trong khuôn khổ Hội nghị, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với các bộ ngành liên quan tổ chức Triển lãm với chủ đề “Khát vọng Việt Nam”. Thông qua Hội nghị và Triển lãm này, đại biểu đánh giá như thế nào về chủ đề của Hội nghị và Triển lãm trưng bày đã thể hiện chủ đề này ra sao?
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Từ chủ đề của Hội nghị là “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, tôi thấy các chuyên đề thảo luận rất phong phú và đa dạng, tập trung vào 3 chuyên đề chính: Chuyên đề thứ nhất thảo luận về chuyển đổi số; Chuyên đề thứ hai về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; Chuyên đề thứ ba tập trung thảo luận về vai trò của các nghị viện và nghị sĩ trẻ trong việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ và toàn cầu hóa.
Và Triển lãm “Khát vọng Việt Nam” được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị này chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta, những tiến trình đổi mới của đất nước ta, đồng thời quảng bá về văn hóa, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Tôi cho rằng, đây chính là mục đích của Triển lãm này. Cùng với đó, chúng ta có thể giao lưu, chia sẻ cách làm mới, những phương pháp mới để ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trên từng lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế…
Đề xuất của các nghị sĩ trẻ là làm sao có thêm các khóa học về dữ liệu mở cho thanh niên toàn cầu, những hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới để hướng tới mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Tôi nhận thấy, đây là Hội nghị rất có giá trị và có ý nghĩa thực tiễn trong bối cảnh toàn cầu hiện nay đan xen giữa thách thức và cơ hội, khủng hoảng kinh tế sau đại dịch Covid-19. Vì vậy, chỉ có “đứng trên vai những người khổng lồ”, đặc biệt là ứng dụng những công nghệ mới trong sản xuất, trong học tập, từ đó chúng ta mới có thể tạo ra giá trị của cải, vật chất và tinh thần cho toàn xã hội một cách bền vững.
Phóng viên: Trực tiếp tham dự Triển lãm “Khát vọng Việt Nam”, đại biểu có nhận xét và chia sẻ gì khi tham quan các khu vực trưng bày sản phẩm tại đây?
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Khi tham quan Triển lãm, tôi ấn tượng với khu vực trưng bày các trải nghiệm mới trên nền tảng công nghệ để phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng, phục vụ cho cán bộ, công chức… Ví dụ như trợ lí ảo cho ngành tòa án hay những bản đồ quy hoạch quá khứ, hiện tại và tương lai – tích hợp rất thông minh và hiện đại, có nhiều hữu ích cho người sử dụng. Có thể nói, công nghệ thông minh, giúp ích cho cuộc sống và tạo ra sự phát triển bền vững.
Đối với những gian hàng OCOP, tôi thấy sản phẩm đa dạng, trải dài khắp các vùng miền, từ Hà Giang cho đến Phú Quốc, Kiên Giang… Tham qua các sản phẩm đó, tôi thấy các sản phẩm này vừa có lợi cho sức khỏe vừa có giá trị, chỉ dẫn địa lý rõ ràng.
Tôi mong rằng, tại các diễn đàn toàn cầu, diễn đàn khu vực hay các hội thảo trong nước và quốc tế, chúng ta có thể giới thiệu những sản phẩm Việt Nam để kết nối, giao thương, quảng bá các nông sản, đặc sản của nước ta đến với thị trường thế giới.
Vì vậy, tôi thấy Triển lãm này rất giá trị, phong phú và nhiều mặt hàng. Chúng ta có thể nhân rộng mô hình này không chỉ tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu mà những hội nghị toàn cầu khác trên các lĩnh vực. Bởi nước ta rất mạnh về nông sản, lúa gạo và với các công nghệ mới, chúng ta có thể học hỏi và tiên phong trong lĩnh vực này. Qua đó, chúng ta có thể tổ chức Triển lãm để giới thiệu, quảng bá bản quyền sở hữu trí tuệ của mình, lan tỏa ra với thế giới, dùng công nghệ và tạo ra giá trị lớn hơn cho sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là nông sản.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu./.