Là Phó Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ khóa XV sẽ trực tiếp tham dự Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan tin tưởng, với tinh thần trách nhiệm, chủ động, nỗ lực từ sớm, từ xa của Quốc hội Việt Nam, Hội nghị sẽ đóng góp thiết thực, quan trọng vào thành công chung trong thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; đồng thời tăng cường sự hiện diện, phát huy vai trò, tiếng nói của các ĐBQH trẻ trong các tổ chức liên nghị viện thế giới, khu vực và quốc tế.
Phóng viên: Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 dự kiến diễn ra từ ngày 14/9-18/9 tới tại thủ đô Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu. Đại biểu đánh giá thế nào về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tổ chức Hội nghị này trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những chuyển biến mạnh mẽ cả về chính trị, kinh tế, xã hội?
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhóm ĐBQH trẻ khóa XV: Bối cảnh quốc tế thời gian gần đây cho thấy mục tiêu phát triển của nhiều quốc gia đã và đang bị tác động ở nhiều khía cạnh khác nhau, đòi hỏi mỗi quốc gia sớm có những đánh giá và điều chỉnh hợp lý để duy trì mục tiêu phát triển của mình theo hướng nhanh và bền vững hơn. Từ đầu năm 2020 đến nay, thế giới đã xảy ra nhiều biến động nhanh chóng, chưa có tiền lệ.
Tuy nhiên hoà bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế lớn. Phát triển bền vững, chia sẻ, hợp tác dựa trên đổi mới sáng tạo, trở thành xu thế bao trùm trên thế giới. Chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn; chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh đang là chuyển dịch quan trọng của nhiều quốc gia. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo diễn biến rất nhanh, tác động sâu, rộng, đa chiều trên phạm vi toàn cầu, ngày càng trở thành nhân tố quyết định đến năng lực cạnh tranh mỗi quốc gia.
Tiếp sau việc đăng cai thành công Đại hội đồng IPU-132 (năm 2015), Hội nghị APPF lần thứ 26 (2016) và Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 (năm 2020), việc đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tiếp tục khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm và chủ động của Việt Nam trong IPU – Tổ chức liên nghị viện thế giới, là sự quan tâm đặc biệt của Việt Nam đối với thanh niên và các vấn đề chung toàn cầu của giới trẻ hiện nay, đồng thời là hoạt động quan trọng, thiết thực triển khai nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng”, Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XII về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Hội nghị góp phần thúc đẩy lợi ích của Việt Nam qua kênh nghị viện, đáp ứng yêu cầu phát triển và xu thế phát triển trong giai đoạn mới, trong đó có chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững. Hội nghị cũng là dịp tốt để chúng ta tuyên truyền, quảng bá rộng rãi với bạn bè quốc tế về văn hóa, đất nước, con người, chính sách đối ngoại và thành quả công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam; đồng thời là cơ hội để tranh thủ sự ủng hộ của Liên minh Nghị viện thế giới – IPU, các nghị viện thành viên đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Phóng viên: Hội nghị đã lựa chọn chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”. Từ chủ đề này, Hội nghị sẽ tập trung thảo luận 3 chuyên đề chính. Đại biểu chia sẻ thêm về sự quan tâm của mình đối với các chuyên đề của Hội nghị?
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhóm ĐBQH trẻ khóa XV: Các chuyên đề tại Hội nghị được xác định sẽ thảo luận là những nội dung quan trọng, kỳ vọng sẽ đóng góp thiết thực trong tiến trình phát triển của từng quốc gia trong IPU, tập trung thảo luận ba chuyên đề chính.
Chuyên đề thứ nhất thảo luận về chuyển đổi số: (i) Việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhằm tăng cường các cơ hội phát triển kinh tế bền vững; (ii) Chia sẻ kinh nghiệm của nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sỹ trẻ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4; (iii) Chia sẻ những tiến bộ đạt được trong việc số hóa các hoạt động của nghị viện vì sự phát triển bền vững. Đồng thời đề xuất chính sách, giải pháp, nhất là hoàn thiện thể chế nhằm thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, bảo đảm tiếp cận công nghệ công bằng hướng tới mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau trong môi trường số, phát triển bền vững.
Với vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay, là động lực mới cho sự tăng trưởng và phát triển một cách bền vững, chuyên đề thứ hai sẽ thảo luận về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp: (i) Việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, bao gồm cả khởi nghiệp của thanh niên làm động lực cho sự phát triển bao trùm và bền vững, trong đó có lĩnh vực công nghệ thực phẩm; (ii) Chia sẻ kinh nghiệm của nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sỹ trẻ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; (iii) Trao đổi, thảo luận về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo góp phần đẩy mạnh quá trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững SDGs; (iv) Đề xuất với các nghị viện về các chính sách và giải pháp về việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, giảm thiểu các rủi ro liên quan trí tuệ nhân tạo.
Đa dạng văn hóa được xem là nguồn lực cho sự phát triển của thế giới hiện tại cũng như trong tương lai, tuy nhiên đang đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là những thách thức phi truyền thống của một kỷ nguyên số và toàn cầu hóa, ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững của di sản văn hóa, văn hóa các dân tộc. Vì vậy, chuyên đề thứ ba tập trung thảo luận nội dung về vai trò của các nghị viện và nghị sĩ trẻ trong việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ và toàn cầu hóa với các nội dung: (i) Hợp tác kỹ thuật số, giảm thiểu tác động không mong muốn của chuyển đổi số đối với quyền riêng tư, bảo mật; (ii) Phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; (iii) Cam kết bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa; tạo môi trường, hệ sinh thái thuận lợi cho văn hóa và đa dạng văn hóa; (iv) Vai trò của văn hóa và đa dạng văn hóa trong phát triển bền vững.
Phóng viên: Là đại biểu Quốc hội và cũng là Phó Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ khóa XV trực tiếp tham dự Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, đại biểu kỳ vọng gì vào việc Quốc hội nước ta tổ chức Hội nghị lần này?
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhóm ĐBQH trẻ khóa XV: Đây là một cơ hội vô cùng quý báu để những đại biểu, nghị sĩ trẻ như có cơ hội để gặp gỡ, trao đổi, chia sẽ, học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, đây cũng là dịp để cùng tìm tiếng nói chung, tìm kiếm và xây dựng những giải pháp tối ưu nhằm hướng tới mục tiêu vì một thế giới phát triển bền vững, hòa bình, thịnh vượng, hạnh phúc và tốt đẹp hơn, bao trùm và không ai bị bỏ lại phía sau.
Tôi tin tưởng với tinh thần trách nhiệm, chủ động, nỗ lực từ sớm, từ xa của Quốc hội Việt Nam, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 sẽ đóng góp thiết thực, quan trọng vào thành công chung trong thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ nghị viện với các nước. Đặc biệt tăng cường sự hiện diện, vai trò tiếng nói của các đại biểu Quốc hội trẻ, nghị sỹ trẻ các nước trong các tổ chức liên nghị viện thế giới, khu vực và quốc tế.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu./.