Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại hội trườngvề dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa) tán thành với nội dung Tờ trình về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Tuy nhiên, đại biểu phản ánh tình trạng kéo dài nhiều năm trong việc chậm gửi tài liệu, hồ sơ, đề nghị cần có biện pháp giải quyết vấn đề này, đảm bảo thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng để các dự thảo luật, Nghị quyết đạt chất lượng cao.
Bên cạnh đó, đại biểu tán thành việc tách toàn bộ nội dung của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ ra khỏi Luật Đường bộ để xem xét hai luật cùng lúc, đảm bảo chất lượng công tác lập pháp.
Trong tài liệu gửi các ĐBQH, có một nội dung năm 2024 đưa vào xây dựng chương trình là sửa đổi, bổ sung Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 do Hội Luật gia Việt Nam chủ trì. Nhưng, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và dự thảo trình đại biểu Lê Xuân Thân nói “không thấy sự xuất hiện của cụm từ “sửa đổi, bổ sung Luật Trọng tài Thương mại năm 2010”.
Do đó, đại biểu đoàn Khánh Hòa đề nghị ban soạn thảo và đề nghị các cơ quan xem xét. Vì, tiêu chí hiện nay của các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã bắt đầu coi trọng việc giải quyết các tranh chấp ngoài tòa án, trong đó có giải quyết tranh chấp về thương mại và trọng tài thương mại là một trong những cơ chế giải quyết rất hiệu quả.
Quan tâm tới Luật Thương mại năm 2005, đại biểu cho biết, lĩnh vực thương mại điện tử hiện nay đang được điều chỉnh bởi 3 Nghị định. Luật Thương mại đã được xây dựng cách đây gần 20 năm, đến nay có nhiều mâu thuẫn, lạc hậu so với Bộ luật Dân sự 2015, không đáp ứng kịp sự phát triển của thương mại điện tử.
Đại biểu đề nghị xem xét sửa đổi Luật Thương mại, Luật Trọng tài thương mại để đồng bộ với Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại cũng như giải quyết tranh chấp bằng tòa án hoặc ngoài tòa án với Trọng tài thương mại.
Đối với Luật Trọng tài thương mại, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) nhất trí với đại biểu Lê Xuân Thân về việc tăng cường Luật Trọng tài thương mại trong thời gian tới là yêu cầu rất quan trọng. Đặc biệt, khi giao dịch xuyên biên giới giữa các quốc gia trên 90% và các tranh chấp được xử lý thông qua phương thức trọng tài.
“Tôi đề nghị tiếp tục sửa đổi Luật Trọng tài thương mại lần này. Tuy nhiên, tôi cũng biết hiện nay Hội Luật gia Việt Nam chưa có đề xuất chính thức với Quốc hội. Cho nên Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đưa vào chương trình chính thức. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Hội Luật gia Việt Nam để có thể trình sớm. Tôi hy vọng rằng Quốc hội sẽ ủng hộ đưa luật sửa đổi này vào chương trình xây dựng pháp luật trong thời gian tới”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.
Thảo luận tại hội trường, căn cứ vào Đề án định hướng và căn cứ Điều 52 của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Tp. Hồ Chí Minh) bày tỏ đồng tình với ý kiến của đại biểu Lê Xuân Thân về tính cấp bách của việc sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại.
Từ năm 2005 đến nay, Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định và công ước quốc tế, công nghệ số, thương mại số phát triển mạnh trong bối cảnh kinh tế thế giới phát triển không ngừng.
Do đó Luật Thương mại 2005 đã lạc hậu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung Luật Thương mại vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV.
Bên cạnh đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh, vào Đề án định hướng khóa XV là Luật Đô thị đặc biệt.
Đại biểu cho rằng, đã đến lúc chúng ta xây dựng Luật Đô thị đặc biệt để điều hành, quản lý các đô thị đặc biệt bằng văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực mà đến nay, chúng ta chỉ làm những nghị quyết riêng biệt, có tính chất thí điểm với các dạng thí điểm khác nhau. Vì vậy, việc xây dựng Luật Đô thị đặc biệt là cần thiết, và cần có định hướng trung hạn và dài hạn.
Luật Đô thị đặc biệt là định hướng cho sự phát triển của các đô thị khác của nước ta như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, vì vậy, đại biểu đoàn Tp.Hồ Chí Minh cũng đề nghị bổ sung thêm Luật Liên kết kinh tế vùng vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh.