Theo tiêu chí chương trình dạy thêm môn tiếng Anh của bạn tôi, các em phải tiếp cận được cuộc sống với kiến thức của chính mình.
Dựa vào những mục tiêu giảng dạy, nội dung sách giáo khoa và qua kinh nghiệm, thầy thiết kế những bài giảng theo hướng giao tiếp lồng ghép vào việc thực hành kỹ năng.
Giờ học tiếng Anh trở nên sinh động hơn khi học trò tham gia nhiệt tình vào các hoạt động học tập như trò chơi, diễn kịch, thuyết trình…
Các hoạt động vừa chơi vừa học như thế không những giúp học trò nắm vững kiến thức mà còn giúp các em trau dồi kỹ năng của mình. Bên cạnh đó, thầy hướng dẫn học trò những phương pháp tự học đạt hiệu quả.
Dần dần, học sinh có được sự tự tin với vốn tiếng Anh của mình. Có em còn mạnh dạn trò chuyện với người nước ngoài khi có dịp gặp gỡ hay tự tin tham dự những kỳ thi đánh giá chuẩn tiếng Anh theo hướng quốc tế và khẳng định được năng lực tiếng Anh.
Là một phụ huynh học sinh, tôi đánh giá cao cách dạy thêm của bạn khi người thầy không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn tạo niềm cảm hứng cho học trò trong việc sử dụng tiếng Anh vào thực tế cuộc sống.
Ở góc nhìn sư phạm, bạn tôi đã có những hướng đi khác trong việc dạy thêm. Bởi lẽ không ít giáo viên bám sát sách giáo khoa và trọng tâm chuẩn kiến thức để thiết kế theo các dạng bài tập và hướng dẫn học trò làm thế nào để đạt kết quả cao khi làm bài kiểm tra hay bài thi tại trường. Điểm số các bài làm này thường khá cao vì thế học trò vô tư học và tin rằng năng lực của mình như thế là tốt rồi!
Dù những hiệu ứng tích cực từ việc dạy thêm của bạn tôi chưa lan tỏa nhiều trong cộng đồng nhưng thật đáng trân trọng.
Khi có được một bệ phóng vững chắc được hình thành và truyền cảm hứng như thế, người học sẽ biết được năng lực thực sự của mình để có được nhận thức đúng hướng cho tương lai.
Những giáo viên dạy thêm như bạn tôi chắc hẳn thu nhập không nhiều với công việc làm ngoài giờ của mình nhưng chắc chắn nhận được sự tôn trọng của những học sinh cũng như phụ huynh hiểu chuyện và đồng hành.