Xuyên suốt luật Giáo dục 2019, không có câu từ nào coi dạy học, hoạt động giáo dục là kinh doanh. Tại Điều 99 luật Giáo dục dùng cụm từ “dịch vụ giáo dục, đào tạo”. Điều 5 của Dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm nêu: “Tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài trường …”, như vậy liệu có phù hợp? Nếu coi hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là hoạt động kinh doanh vậy dạy thêm, học thêm trong nhà trường có phải là hoạt động kinh doanh không?
Học sinh phải học thêm chồng học thêm?
Dự thảo thông tư không cấm giáo viên dạy thêm học sinh mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường. Như vậy, giáo viên nếu có dạy thêm trong nhà trường với học sinh đang trực tiếp dạy thì có được dạy thêm các học sinh này khi giáo viên đó dạy thêm ngoài trường hay không? Nếu Dự thảo thông tư không làm rõ thì không khéo học sinh rơi vào thế “một cổ hai tròng”. Thực tế, học sinh vừa học thêm ở trường đồng thời học thêm ở nhà với cùng “chính chủ”.
Xóa sổ dạy thêm tự nguyện, không thu học phí?
Cũng theo Dự thảo thông tư, dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học nội dung chương trình môn học, hoạt động giáo dục nhưng ngoài thời lượng quy định của chương trình, có thu thêm tiền học phí. Vậy, hoạt động dạy học ngoài thời lượng chương trình tự nguyện mà không thu học phí thì gọi là gì? Phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi là trách nhiệm, là hoạt động giáo dục vốn đặc thù thể hiện sự tận tụy, tâm huyết của thầy cô với học sinh sẽ đứng ở đâu trong nhà trường? Có hay không từ đây sẽ chuyển thành dạy thêm, học thêm để… thu học phí?
Học phí chồng học phí
Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học, khoản 1, Điều 19 ghi: “Các hoạt động giáo dục thực hiện theo kế hoạch giáo dục của nhà trường, được tổ chức trong và ngoài giờ lên lớp, trong và ngoài khuôn viên nhà trường, nhằm thực hiện chương trình các môn học, hoạt động giáo dục chương trình giáo dục phổ thông …”. Nội dung này có thu phí hay không?
Dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm gồm hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục ngoài thời lượng quy định của chương trình. Nhưng thực tế, ranh giới giữa trong và ngoài thời lượng chương trình rất mong manh. Từ đây, có chăng một hoạt động giáo dục lẽ ra học sinh được thụ hưởng thì nay đưa vào… học thêm? Học phí rồi học phí, con nhà nghèo chịu sao xiết?
Lo lắng với quy định “hiệu trưởng được dạy thêm”
Theo Dự thảo thông tư quy định dạy thêm, học thêm thì hiệu trưởng được phép dạy thêm. Từng là hiệu trưởng, tôi lo lắng điều này. Ở vị trí đứng đầu nhà trường, trong bối cảnh đổi mới giáo dục, hiệu trưởng xoay tít việc trường, dồn hết tâm sức, thời gian cho việc quản lý và dạy nghĩa vụ 2 tiết/tuần với THPT còn khó mà nay lại cho phép hiệu trưởng dạy thêm.
Điều này xa thực tế, rất trái khoáy. Hiệu trưởng lương cao và “lương” có rồi, cắp cặp dạy thêm coi sao được!
Nhà nước từng bước cải cách tiền lương, lương giáo viên đề xuất xếp cao nhất trong bậc lương hành chính sự nghiệp. Mới đây, Bộ Chính trị đã yêu cầu thực hiện chủ trương lương nhà giáo cao nhất. Sự quan tâm đó đòi hỏi ngành giáo dục, mỗi thầy cô dốc lòng vì học trò.
Là nhà giáo, qua đọc, tìm hiểu Dự thảo thông tư quy định dạy thêm, học thêm, qua thực tế, tôi chưa thấy thấm đậm tình cảm trân quý đó.
Nguồn: https://thanhnien.vn/day-them-hoc-them-trong-nha-truong-co-phai-la-kinh-doanh-185240824220807944.htm