Dạy thêm, học thêm: Muôn nỗi băn khoăn

Báo Đại Đoàn KếtBáo Đại Đoàn Kết10/02/2025

Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chính thức có hiệu lực từ 14/2/2025 đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Đặc biệt đối với học sinh đang học lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10 sẽ gặp khó khăn trong việc tìm cơ sở ôn luyện, củng cố kiến thức.


Phụ huynh hoang mang, học sinh lo lắng

Đó là chia sẻ của nhiều phụ huynh có con đang học khối THCS trên khắp cả nước. Chị Trần Lan Anh (KĐT Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết chiều qua khi đón con gái đi học về, con kể các bạn trong lớp đang xôn xao vì chuyện sắp được nghỉ học tất cả các buổi chiều.

“Lúc ấy tôi giật mình, hỏi kỹ mới biết là vì một số trường khác trên địa bàn đã thông báo tạm dừng học buổi chiều nên các con nghe được, bàn tán dù trường con chưa có thông báo gì. Hiện cả lớp con học tăng cường các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý các buổi chiều từ thứ 2 đến thứ 5. Chiều thứ 6 con học đội tuyển Tiếng Anh cũng tại trường, chiều thứ 7 nghỉ. Giờ nếu nghỉ hết, thời gian đó con sẽ làm gì?” – chị Lan Anh bày tỏ lo lắng.

THCS Tản HONG 1
Tiết học Ngoại ngữ tại Trường THCS Tản Hồng (Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Cũng chung tâm tư này là chị Mỹ Duyên có con đang học lớp 9 tại Trường THCS Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội). Ngay trong buổi họp phụ huynh cuối học kỳ 1, nhà trường đã thông tin đến cha mẹ học sinh về việc dừng tổ chức dạy thêm tại trường khiến tất cả phụ huynh trong lớp đều rất lo lắng vì chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ thi vào lớp 10 THPT, trường dừng dạy thêm thì con biết học như thế nào?

“Trong thời gian học chính khóa, các con học bài mới theo phân phối của chương trình, hầu như không có thời gian ôn tập, củng cố kiến thức đã học, càng không thể học nâng cao. Giờ học buổi chiều chính là thời gian để cô trò cùng tập trung rà soát lại các nội dung quan trọng, rèn kỹ năng thì nay lại nghỉ. Đại diện lớp đã đề xuất với giáo viên chủ nhiệm về việc viết đơn xin tự nguyện để thầy cô tiếp tục dạy thêm trong trường, giúp các con ôn luyện chuẩn bị thi nhưng cô cho biết phải báo cáo với nhà trường, khi nào có quyết định sẽ báo lại với phụ huynh” – chị Mỹ Duyên nói.

Chị Duyên chia sẻ thêm, từ Tết ra đến giờ, thầy cô đang giao thêm bài tập để học sinh làm trong các buổi chiều nghỉ học. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng có khả năng tự học cũng như kỷ luật về giờ giấc do buổi chiều, phụ huynh vẫn phải đi làm nên không thể quản lý, nhắc nhở con được.

Giải pháp được nhiều gia đình tìm đến trong thời gian này đó là tìm đến các khóa học thêm online, các trung tâm luyện thi trong khu vực để con tiếp tục bồi dưỡng kiến thức. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề kéo theo đó cần phải lo lắng như lớp học có phù hợp với con em mình hay không? Trong giai đoạn nước rút này, bất ngờ thay đổi giáo viên – không phải là người theo sát các em từ đầu liệu có hiệu quả không? Với các khóa học trực tuyến, dù giáo viên giảng dạy hấp dẫn, bài giảng sinh động, học sinh được chủ động lựa chọn phần kiến thức mình chưa hiểu để theo học nhưng internet có nhiều cám dỗ, không phải phải học sinh nào cũng có thể chuyên tâm học tập mà không bị sa đà vào games, phim ảnh…

Giáo viên băn khoăn

Theo ông Hồ Tấn Minh, chánh văn phòng Sở GDĐT TPHCM, Thông tư 29 quy định giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Thầy cô có nhu cầu dạy thêm thì đăng ký với trung tâm dạy thêm. Các trung tâm này phải đăng ký kinh doanh và được Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp phép. Theo Luật Viên chức thì người thân của giáo viên như vợ chồng, cha mẹ, con cái cũng không được đứng ra đăng ký và mở trung tâm dạy thêm.

Tuy nhiên, không ít giáo viên băn khoăn nếu đăng ký dạy thêm ngoài trung tâm sẽ có những bất cập. Đơn cử, thay vì giáo viên chỉ dạy một nhóm nhỏ học sinh có nguyện vọng học nâng cao học học củng cố kiến thức thì ở trung tâm sẽ đông hơn. Vì không phải là giáo viên dạy chính khóa các em trên lớp nên cũng khó nắm rõ được lực học của từng em. Việc sắp xếp thời gian biểu để giảng dạy theo lịch của trung tâm cũng khó khăn cho giáo viên...

Thầy giáo Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An nêu hàng loạt vấn đề đối với quy định mới. Đó là liệu có đủ trung tâm dạy thêm ở tất cả các vùng miền như miền núi, nông thôn, kể cả thành phố cho học sinh học hay không? Nếu so sánh về cơ sở vật chất, đội ngũ, chương trình, công tác quản lý, cam kết chất lượng, thanh tra, kiểm tra việc dạy thêm ở trường và trung tâm; việc học thêm ở các nhà trường hay trung tâm hợp lý và khả thi hơn?

lop hoc the
Một lớp học thêm tại trung tâm ở Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Phượng Quỳnh.

Thầy giáo này cũng đặt vấn đề về học phí khi học thêm ở trung tâm và nhà trường thế nào? Thực tế là các trung tâm có miễn học phí học cho học sinh con hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn... như các nhà trường hay không? Chưa kể, ngoài việc dạy thêm với đối tượng là chính các học sinh của mình, chắc chắn về trách nhiệm, giáo dục đạo đức, chất lượng đạt được của học sinh cũng là một trong những điều giáo viên và các nhà trường trăn trở để thêm phần chăm lo cho các em.

Bên cạnh đó, có tình huống, các bậc phụ huynh đi làm cả ngày, đi làm xa, đi lao động nước ngoài... học sinh không có chỗ đi học hoặc không đủ điều kiện để đi học trung tâm... việc quản lý các em khi ở nhà thật sự “đau đầu” ra sao với phụ huynh?

Các trường chờ hướng dẫn

Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT về quản lý dạy thêm, học thêm của Bộ GDĐT nêu rõ các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm trong nhà trường gồm: không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sốn

Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

THCS Phuc Tho
Học sinh Trường THCS Thị Trấn Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) trong lễ khai giảng năm học 2024-2025. Ảnh: NTCC.

Cùng với đó, Thông tư quy định 3 đối tượng được dạy thêm học thêm trong trường nhưng không thu tiền gồm: học sinh có kết quả học tập chưa đạt, học sinh được chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh ôn cuối cấp và với đối tượng nào thì việc dạy thêm cũng không quá 2 tiết/tuần.

Như vậy, với học sinh ôn tập cuối cấp thực tế nằm trong đối tượng dạy thêm, học thêm trong trường nhưng nếu không thu tiền, nhà trường sẽ lấy kinh phí đâu để trả cho giáo viên? Lâu nay, nhiều địa phương đã ban hành nghị quyết về mức thu với hoạt động này, phổ biến khoảng 3.500-6.000 đồng một tiết. Trong đó, một phần học phí sẽ trả cho giáo viên trực tiếp giảng dạy, còn lại để chi trả điện nước, hao mòn cơ sở vật chất, đưa vào quỹ khen thưởng, phúc lợi cho giáo viên, học sinh mỗi dịp lễ, Tết, thăm hỏi người ốm… tùy thuộc quy định của mỗi trường.

Do Bộ GDĐT và các Sở GDĐT chưa hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng ngân sách chi trả cho hoạt động dạy thêm nên các trường cũng chưa biết xoay xở ra sao. Riêng việc trả thù lao cho giáo viên phụ đạo học sinh chưa đạt và học sinh giỏi, nhiều trường đều tổ chức miễn phí và cũng phải “xoay xở” nhiều cách để có kinh phí hỗ trợ giáo viên. Nhưng việc ôn thi cuối cấp với số lượng lớn học sinh và thực hiện trong thời gian dài, các nhà trường khó lòng sắp xếp thỏa dáng.

Ngay tại Hà Nội, ông Nguyễn Như Tùng, Phó trưởng phòng GDĐT quận Ba Đình cho biết hiện tại các trường trên địa bàn quận Ba Đình vẫn học tập bình thường đến ngày 14/2 - khi Thông tư 29 có hiệu lực. Trong đó, học sinh cấp 1 học buổi chiều theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh cấp 9 ôn thi lớp 10 và một số trường tổ chức bán trú.

"Chúng tôi vẫn đang chờ có văn bản hướng dẫn cụ thể của UBND Thành phố và UBND quận mới ban hành văn bản sâu hơn tới các trường", ông Tùng cho biết.

Học thêm tự nguyện cũng không được thu tiền

Tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Nhà giáo, sáng 7/2, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị quy định rõ hơn các nội dung liên quan đến hành vi ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, ép buộc người học nộp các khoản tiền, hiện vật ngoài quy định pháp luật quy định.

Bà Hải đặt câu hỏi về hành vi cấm là ép buộc người học tham gia học thêm, nhưng nếu người học thêm tự nguyện thì vẫn được, đúng không? Để giải quyết triệt để tình trạng dạy thêm trá hình, bà Hải cho rằng cần quy định rõ “tự nguyện nhưng cũng không được thu tiền”.

Nếu học sinh muốn học nhiều hơn nữa có thể ra học ở các trung tâm và giáo viên có thể đăng ký dạy ở đó. Khi đó có thể thực hiện các nghĩa vụ tài chính và người học cũng lựa chọn bình đẳng ở các trung tâm.



Nguồn: https://daidoanket.vn/day-them-hoc-them-muon-noi-ban-khoan-10299593.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available