Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa có giải trình tại Quốc hội một số vấn đề tại phiên thảo luận về dự Luật Nhà giáo.
Đối với việc dạy thêm của nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ bộ đang chủ trương không cấm việc dạy thêm nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo, vi phạm những nguyên tắc chuyên môn. Tức cấm một số hành vi ép của nhà giáo trong vấn đề này.
TS Nguyễn Tùng Lâm (phó chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam)
Khổ vì không học thêm
“Dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật của cả học sinh và giáo viên. Việc Bộ GD-ĐT chủ trương không cấm giáo viên dạy thêm là hợp lý. Tuy nhiên dưới góc độ phụ huynh, tôi đề nghị cơ quan nhà nước cần ban hành quy định cụ thể về dạy thêm, học thêm.
Trong đó, giáo viên không được ép học sinh học thêm với mình. Nếu có tình trạng này thì nhà giáo phải chịu biện pháp chế tài nặng nhất”, ông Ngô Hồng Cư, phụ huynh ở TP.HCM, đề xuất.
Ông Cư kể năm trước con ông học lớp 9, cháu trải qua giai đoạn “khủng hoảng kéo dài” vì không học thêm với giáo viên môn toán của lớp chính khóa.
“Đa số học sinh cùng lớp với con tôi đều học thêm toán với giáo viên này. Chỉ có con tôi và một bạn nữa học chỗ khác. Con tôi thi vào trường chuyên, tôi được giới thiệu một giáo viên ở trường THPT và con tôi đã học từ hè lớp 8.
Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường. Nhưng không. Con tôi thường xuyên bị kêu lên bảng trả bài, làm bài tập… Học sinh sao tránh khỏi những lúc làm sai. Mà mỗi lần sai là cháu bị cô giáo bêu riếu, nhạo báng kiểu như: làm bài như vầy mà đòi thi vô trường chuyên, bài dễ như vậy làm vẫn sai mà đòi trèo cao, thi vô trường chuyên nhắm thi nổi không?”.
Ông Cư còn cho biết: “Những học sinh có học thêm với cô thường làm bài kiểm tra điểm rất cao, con tôi thường bị điểm thấp hơn các bạn. Nhiều lần bị bêu riếu, điểm thấp khiến cháu mất tự tin, xin bố mẹ thôi không thi vào lớp 10 chuyên nữa.
Cuối cùng con tôi phải chọn cách đi học thêm cả hai nơi để mong có sự yên ổn. Những trường hợp như thế này thì người giáo viên sẽ bị xử lý như thế nào, cái này cần đưa vào luật để thực hiện nghiêm”, ông Cư đề xuất.
“Quyền lợi chính đáng”
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều nhà giáo cho rằng nhà giáo dạy thêm để kiếm sống vẫn tốt hơn là phải đi bán hàng online, chạy xe công nghệ… Việc dạy thêm là quyền lợi chính đáng của nhà giáo.
“Điều khiến dư luận bức xúc là những vấn đề tiêu cực của dạy thêm. Đó là việc bớt bài trên lớp chính khóa, để dành đến lớp dạy thêm mới dạy. Em nào không đi học thêm thì không hiểu bài. Thậm chí có giáo viên còn “gà” bài trước ở lớp dạy thêm để học sinh đạt được điểm cao trong khi làm bài kiểm tra. Em nào không đi học thêm sẽ bị điểm kém.
Và rất nhiều cách khác, trong đó có việc gây áp lực cho học sinh về mọi mặt, mục đích để ép học sinh đi học thêm với mình. Đây là vấn đề mấu chốt cần giải quyết triệt để”, hiệu trưởng một trường THCS ở nội thành TP.HCM nêu ý kiến.
Theo hiệu trưởng trên: “Cần có quy định cụ thể về việc chế tài những giáo viên vi phạm. Từ quy định đó, cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể là phòng, sở GD-ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra để thanh lọc những việc tiêu cực của dạy thêm, học thêm.
Việc quản lý dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường không thể giao cho hiệu trưởng. Chúng tôi quản lý trong trường đã mệt lắm rồi, không còn thời gian, sức lực để mắt tới những việc ngoài nhà trường. Nếu thời gian tới ngành giáo dục tiếp tục giao việc quản lý dạy thêm của giáo viên cho hiệu trưởng thì lại tiếp tục tái diễn tình trạng “thả nổi” như hiện nay”, hiệu trưởng trên khẳng định.
Nên cấm dạy thêm với học sinh tiểu học
Theo một số nhà giáo dục, mặc dù không thể cấm dạy thêm, học thêm ở khía cạnh nhu cầu thực tế thì cũng cần có giới hạn và điều kiện. Đặc biệt, luật nên quy định rõ việc cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học, học sinh mầm non chuẩn bị vào lớp 1.
Trên thực tế, tình trạng học sinh chuẩn bị vào lớp 1 phải đi học trước chương trình vẫn rất phổ biến, trong khi theo quy định học sinh được học đầy đủ chương trình mầm non 5 tuổi đều có thể đủ điều kiện vào học lớp 1. Việc này xuất phát chủ yếu từ tâm lý lo lắng của cha mẹ học sinh.
Nhưng khi nó trở nên phổ biến, nhà trường, giáo viên phụ trách lớp 1 cũng mặc nhiên coi việc “trẻ phải biết đọc, biết viết thông thạo” trước khi vào lớp 1 là điều kiện cần. Việc này gây áp lực ngược trở lại với học sinh, phụ huynh khiến tình trạng dạy thêm, học thêm càng trầm trọng.
“Trong quy định về dạy thêm, học thêm nên dứt khoát cấm dạy thêm ở bậc tiểu học và có các biện pháp hạn chế ở bậc trung học”, TS Nguyễn Tùng Lâm, phó chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, bày tỏ quan điểm.
Ông cho rằng học sinh tiểu học nếu có thời gian và điều kiện thì nên thêm các hoạt động rèn kỹ năng, rèn luyện thể chất chứ không phải là chuyển từ lớp học này sang lớp học kia để tiếp tục ngồi luyện văn, luyện toán. Cơ bản việc dạy thêm, học thêm ở tiểu học hiện nay không phải theo nhu cầu thật và không thực sự vì lợi ích của trẻ em.
TS Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng với mục tiêu giáo dục là phát triển tư duy, năng lực học sinh thay vì chỉ nhồi nhét kiến thức thuần túy thì vấn đề dạy thêm, học thêm như đang diễn ra càng cần phải chấn chỉnh.
Vì năng lực, tư duy hình thành từ nhiều hoạt động, không phải chỉ ngồi trong lớp học để giải bài tập, nâng điểm số. Việc đổi mới kiểm tra, thi cử cũng là giải pháp mạnh mẽ để ngăn ngừa tình trạng dạy thêm, học thêm không cần thiết như hiện nay.
“Nhà giáo có quyền dạy thêm chính đáng. Nhưng cần tách bạch rõ, có quy định rõ ràng để việc thực hiện quyền đó không ảnh hưởng đến mục tiêu giáo dục, đến sức khỏe, tâm lý, định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của một đứa trẻ”, TS Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ.
Không nên dạy thêm đại trà trong nhà trường
Ông Đặng Tự Ân – giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục Việt Nam, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT – cho rằng trong nhà trường hiện nay chỉ nên duy trì dạy kèm thêm với số học sinh có trình độ kiến thức dưới chuẩn để đảm bảo yêu cầu tối thiểu. Việc dạy thêm này có thể thu phí hoặc không thu phí nhưng không nên cho phép tổ chức đại trà.
Theo ông Ân, dự thảo thông tư quản lý dạy thêm, học thêm công bố mới đây quy định thông thoáng hơn, không bó buộc như thông tư 17 (đang áp dụng) khiến ông băn khoăn. Vì khi được luật cho phép, dù là kèm theo các điều kiện thì trong một nhà trường cũng sẽ tồn tại hai chương trình: chính khóa và dạy thêm. Một trong hai chương trình thu phí của cha mẹ học sinh.
Việc công nhận dạy thêm, học thêm hợp pháp trong nhà trường có thể sẽ gây thêm áp lực không cần thiết cho học sinh. Theo quy định hiện nay, học sinh chỉ cần đạt yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nếu ta công nhận dạy thêm với mục đích tăng cường kiến thức, kỹ năng thì có nghĩa nhiệm vụ của các nhà trường, thầy cô giáo với Chương trình 2018 chưa hoàn thành.
“Nhìn về khía cạnh khác, tôi thấy theo chương trình cũ, dạy học chủ yếu là trang bị kiến thức nên dạy thêm học thêm cũng là tăng cường kiến thức cho học sinh. Với Chương trình 2018, chúng ta đã chuyển sang dạy học toàn diện, phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Việc dạy thêm, học thêm cũng phải theo thế mà đổi hướng, như coi trọng hoạt động trải nghiệm, nâng cao thể chất, nghệ thuật, dạy kỹ năng sống cho học sinh, dạy công nghệ giáo dục, đặc biệt là nâng cao sức khỏe tinh thần cho các em.
Việc hợp thức hóa dạy thêm, học thêm có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng chương trình dạy học chính khóa vì giáo viên sẽ phải chia sẻ sức lực, tâm huyết cho dạy thêm, không thực sự toàn tâm toàn ý cho giờ dạy chính khóa.
Học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học, không đảm bảo sức khỏe khi buộc phải học nhiều ca khác nhau trong ngày”, ông Ân nói thêm.
Nguồn: https://tuoitre.vn/day-them-hoc-them-can-quy-dinh-cu-the-20241122084122567.htm